Nhà tù Guantanamo ở miền cực Đông Cuba, mở cửa từ năm 2001 dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush sau các vụ khủng bố ngày 11-9 và cuộc can thiệp của Mỹ vào Afghanistan. Hiện còn 89 tù nhân bị giam giữ tại Guantanamo. Việc di dời, đóng cửa nhà tù này có thể khiến nước Mỹ phải tốn khoảng 450 triệu USD.
Lời hứa hơn 7 năm
Lầu Năm Góc hôm 16-4 cho biết Mỹ đã chuyển 9 tù nhân từ nhà tù quân sự Guantanamo ở Cuba đến Ả Rập Saudi. Chưa đầy 2 tuần trước đó, 2 tù nhân người Libya - bị giam ở Guantanamo trong suốt 14 năm qua mà không bị buộc tội - đã được Mỹ chuyển đến Senegal. Tính từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 27 tù nhân được chuyển ra khỏi Guantanamo.
Mỗi tù nhân được đưa ra khỏi Guantanamo đồng nghĩa với việc Tổng thống Barack Obama tiến một bước gần hơn đến mục đích đóng cửa nhà tù này. Nhà lãnh đạo Mỹ đã thông báo kế hoạch đóng cửa nhà tù với hy vọng thực hiện lời hứa trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí đã trình lên quốc hội kế hoạch di dời tù nhân để đóng cửa nhà tù. Thế nhưng, phe Cộng hòa chiếm đa số tại thượng viện nhất định bác bỏ. Ngoài ra, kế hoạch này còn vấp phải sự phản đối đặc biệt mạnh mẽ từ các thống đốc Cộng hòa ở những bang mà các tù nhân Guantanamo có khả năng được chuyển đến giam giữ.
Theo báo The Hill, các thành viên Đảng Cộng hòa đã chính thức ra nghị quyết phản đối việc di chuyển nhiều tù nhân ra khỏi Guantanamo vì lo ngại mối nguy đối với an ninh quốc gia. Một bản tin tình báo cũng công bố số tù nhân được trả tự do quay lại con đường khủng bố đã tăng lên.
Trong bài diễn văn liên bang cuối cùng của mình, Tổng thống Obama khẳng định ông sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng cửa nhà tù trên bởi vì nó tốn kém, không cần thiết và chỉ là công cụ tuyển mộ cho các kẻ thù nước Mỹ. Báo The New Yorker nhấn mạnh phát biểu của tổng thống lần này đã nhẹ giọng hơn so với cam kết đanh thép mà ông lặp đi lặp lại nhiều lần trên bước đường vận động tranh cử tổng thống lần đầu. Rồi đến ngày 22-1-2009, ngay trong tuần lễ đầu tiên ở Nhà Trắng, ông đã ký một mệnh lệnh hành pháp quả quyết rõ việc đóng cửa các cơ sở giam giữ tại Guantanamo phải được thực hiện trong vòng 1 năm kể từ ngày ra mệnh lệnh này. Như vậy, đến thời điểm này, hơn 6 năm đã trôi qua sau khi thời hạn chót đó... hết hạn.
Tổng thống Obama đã đạt được bước tiến đáng kể liên quan đến nhà tù Guantanamo. Đó là giảm bớt số tù nhân từ 242 người khi ông bắt đầu nhiệm kỳ xuống còn 80 vào thời điểm hiện tại. Trước đó, cao điểm vào năm 2003, con số tù nhân bị giam giữ tại Guantanamo là 684. Tuy nhiên, 34 trong số 80 tù nhân còn lại từng được duyệt xét lại định kỳ nhiều lần và đã được đề nghị chuyển đi nhưng cho đến nay vẫn còn lưu giữ tại đây. Đối với Shaker Aamer - công dân Ả Rập Saudi thường trú ở Anh, bị giam ở Guantanamo hơn 13 năm - được đưa về Anh cuối tháng 10-2015 mặc dù đã được đề nghị chuyển đi hồi tháng 1-2010, tức hơn 5 năm sau.
Nỗi day dứt còn đó
Bản thân Tổng thống Obama đã lấy làm tiếc về cách giải quyết của ông trong suốt 2 nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. “Lẽ ra tôi đã đóng cửa nhà tù Guantanamo ngay ngày đầu tiên rồi” - ông tâm sự. Chưa hết, vấn đề có lẽ khiến Tổng thống Obama day dứt hơn là ông đã không biết phải làm gì với 44 “tù nhân đời đời”, những người chưa hề bị cáo buộc bất kỳ tội nào nhưng lại bị chính phủ đánh giá là những kẻ quá nguy hiểm, không thể phóng thích được.
Một cựu quan chức chính quyền Mỹ thừa nhận Guantanamo vẫn là một ưu tiên chính của Nhà Trắng. Nói về chuyện đóng cửa nhà tù này, ông ta xác nhận: “Tôi hoàn toàn không mảy may nghi ngờ về sự cam kết của Tổng thống Obama về vấn đề này. Ông thực sự quan tâm và thực sự muốn làm được điều đó”.
Đầu năm 2016, Chánh Văn phòng Tổng thống Mỹ, ông Denis McDonough, tuyên bố trên kênh Fox News rằng Tổng thống Obama sẽ làm tốt lời hứa đóng cửa nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo - Cuba. Theo đó, ông Obama đệ trình lên quốc hội kế hoạch đã được chờ đợi từ lâu về phương cách đóng cửa nhà tù này. Nếu như quốc hội không chấp thuận, Nhà Trắng cũng đã lên kế hoạch cho những bước tiếp theo. “Ông ấy cảm thấy phải có trách nhiệm với vị tổng thống kế nhiệm. Ông ấy sẽ dồn sức cho vấn đề này để ông và vị kế nhiệm không phải đối đầu với cùng những thách thức như nhau” - ông McDonough cho biết.
Ai cũng biết rằng ông Obama hứa hẹn đóng cửa nhà tù gây tranh cãi nêu trên trong suốt cuộc vận động tranh cử năm 2008. Ông McDonough đã từ chối tiết lộ liệu Tổng thống Obama có sử dụng quyền phủ quyết của mình để đóng cửa nhà tù này hay không khi quốc hội nhất quyết phản đối kế hoạch của ông.
Lỗi của quốc hội?
Nhìn chung, Nhà Trắng đã thành công trong việc khiến cho dư luận nhận thấy quốc hội mới là tác nhân làm cho việc đóng cửa nhà tù Guantanamo bị trì hoãn chứ không phải cá nhân Tổng thống Obama. Chính quốc hội đã thông qua các dự luật cấm đưa các tù nhân Guantanamo vào đất Mỹ trong khi chính quyền nước này muốn cầm tù một vài tù nhân trong nhà tù của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Kỳ tới: Chính sách khởi nguồn từ nỗi sợ hãi
Bình luận (0)