Văn phòng Tổng thanh tra của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận được đơn thư khiếu nại, trong đó yêu cầu giới chức quân sự Washington di dời các nhân viên làm việc cho bộ phận tòa án ở Vịnh Guantanamo đi nơi khác để tiến hành xét nghiệm.
Ít nhất 7 nhân viên quân sự và dân sự làm việc cho bộ phận này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Trong 1 thập kỷ qua, khoảng 200 công tố viên, luật sư và nhân viên tòa án cắm chốt tại căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo, nơi có nhà tù nổi tiếng với các vụ tra tấn tù nhân.
Đơn khiếu nại cho biết các bệnh nhân có khả năng đã tiếp xúc với chất gây ung thư khi họ sống và làm việc tại một địa điểm ở Guantanamo – khu vực trước đây dùng để xử lý nhiên liệu máy bay. Họ cũng có thể đã tiếp xúc với các chất độc như a-mi-ăng trong một tòa nhà cũ, ban đầu được sử dụng để tổ chức các phiên tòa quân sự.
Hôm 27-7, truyền thông Canada cho biết thiếu tá hải quân Mỹ Bill Kuebler – luật sư bảo vệ cho tù nhân Omar Khadr của nước này tại căn cứ Guantanamo – đã qua đời hôm 17-7 vì bệnh ung thư. Thiếu tá Kuebler khi đó mới 44 tuổi.
Reuters dẫn lời 2 bác sĩ tư vấn cho rằng nếu 7 trường hợp ung thư mới phát hiện ở Guantanamo mắc cùng một triệu chứng, Hải quân Mỹ cần điều tra làm rõ vấn đề. Còn nếu họ mắc các bệnh ung thư khác nhau thì điều này hoàn toàn bình thường.
Phát ngôn viên Kelly Wirfel của căn cứ Hải quân Mỹ tại Guantanamo xác nhận họ sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế công cộng trực thuộc Hải quân Mỹ cũng như các quan chức sức khỏe và môi trường khác để thực hiện các bước cần thiết giải quyết khiếu nại. Trong khi đó, Văn phòng Tổng thanh tra của Bộ Quốc phòng Mỹ chưa lên tiếng về cuộc điều tra.
Liên quan đến kế hoạch di dời tù nhân ở Guantanamo, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đề xuất chuyển 64/116 “phần tử đặc biệt nguy hiểm” tại nhà tù này đến Washington để truy tố hoặc tiếp tục giam giữ. Những tù nhân khác sẽ được chuyển về nước hoặc sang nước thứ 3 nhằm đảm bảo họ sẽ không đe dọa Mỹ.
Kế hoạch được phác thảo hôm 25-7 bởi Lisa Monaco, cố vấn của Tổng thống Obama về chống khủng bố và an ninh nội địa, theo hãng tin Bloomberg. Nếu kế hoạch được thực thi, Quốc hội Mỹ sẽ phải điều chỉnh đạo luật cấm luân chuyển tù nhân trên lãnh thổ nước này.
Chủ tịch Uỷ ban An ninh Nội địa Michael McCaul gọi kế hoạch của ông Obama là “chính sách thiếu thận trọng và nguy hiểm”. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn yêu cầu Quốc hội hỗ trợ chi phí, trong đó sẽ tiêu tốn 3 triệu USD/năm cho mỗi tù nhân nếu tiếp tục giam giữ họ. Con số này khá cao so với tù nhân bị giam tại Mỹ, chỉ tốn 70.000 USD/năm. Chủ tịch McCaul cho rằng số tiền trên có thể dùng vào các mục đích an ninh hữu ích hơn.
Cuba rời khỏi danh sách đen về nạn buôn người
Mỹ hôm 28-7 đã loại Cuba khỏi danh sách các nước “thất bại trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người”, một tuần sau khi quan hệ ngoại giao 2 nước chính thức khôi phục.
Cuba lần đầu tiên bị đưa vào “danh sách đen” của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2003. Bà Sarah Sewall, một quan chức nhân quyền Mỹ, cho biết Havana đã có những tiến bộ trong cuộc chiến chống nạn buôn bán tình dục. Đây là những nỗ lực đáng kể dù Cuba chưa giải quyết triệt để nạn cưỡng bức lao động.
Trong một diễn biến khác, Thái Lan đã lên tiếng phản pháo Mỹ sau khi nước này năm thứ 2 liên tiếp bị xếp ở bậc 3 trong báo cáo xếp hạng thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trên. Bậc 3 là mức thấp nhất và bị xếp vào bậc này có nghĩa là Thái Lan đang ngang hàng cùng với các quốc gia Iran, Libya, Triều Tiên, Eritrea và Syria.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho rằng bảng xếp hạng của Mỹ "không phản ánh chính xác những nỗ lực to lớn" của chính quyền quân sự hiện hành trong việc giải quyết nạn buôn người.
Bình luận (0)