Ngày 20-8 vừa qua, tại Makiki, bang Hawaii, xảy ra một vụ án mạng làm 3 người chết, trong đó có hung thủ.
Nguồn tin cảnh sát địa phương cho biết cựu chiến binh Iraq Clayborne Conley, 43 tuổi, đã bắn chết Kristine Cass, 46 tuổi, người yêu của ông và Saundra, 13 tuổi, con gái của bà Cass, rồi quay súng kết liễu đời mình. Bà Cass đang tìm cách chấm dứt quan hệ yêu đương với Conley.
Conley là lính vệ quốc quân Hawaii, xuất ngũ cách đây hơn 3 năm sau khi chiến đấu ở Iraq năm 2005. Trước khi sang Iraq, Conley không có vấn đề gì về tâm thần.
Trở về nước, ông bị mất ngủ, đêm thấy toàn ác mộng, tính tình cáu bẳn, thường nghĩ tới tự tử, triệu chứng của PTSD.
Fred Ballard, người phát ngôn của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) ở Hawaii, cho biết hội chứng PTSD có nhiều triệu chứng, từ mất ngủ đến bạo lực gia đình nhưng giết cả hai mẹ con người yêu như trường hợp của Conley là một trường hợp hiếm thấy.
Ballard cho biết thêm: “PTSD không giống như gãy chân. Nó không bao giờ lành”. Nếu không tìm cách chữa trị, bệnh nhân dễ trở thành tội phạm.
Cựu trung tá Mike Zacchea suýt đốt nhà vì hội chứng PTSD. Ảnh: Alfredo Sosa
Đắt hơn chi phí chiến tranh
Theo Evan Kanter, bác sĩ chuyên trị PTSD, tài liệu y văn năm 2007 cho biết tính đến thời điểm ấy, ước tính có chừng 300.000 cựu chiến binh Iraq mắc phải hội chứng PTSD và các bệnh tâm thần khác.
Chi phí chữa bệnh suốt đời cho các bệnh nhân này lên đến 660 tỉ USD, lớn hơn chi phí chiến tranh dành cho Iraq lúc bấy giờ. Đáng chú ý, theo bác sĩ Kanter, cựu chiến binh càng ít tuổi càng dễ mắc phải PTSD và các bệnh tâm thần.
Mọi cuộc chiến đều đặt ra nhiều thử thách cho các quân nhân xuất ngũ. Sau thế chiến thứ hai, các quân nhân Mỹ trở về được tiếp đón trọng thể như các bậc anh hùng.
Bên cạnh đó, cũng có một vấn đề: Những người lính trẻ bị chấn thương về mặt tinh thần khó tìm ra sự trợ giúp để chữa bệnh. Đó là một vấn đề quá mới mẻ, nước Mỹ chưa kịp chuẩn bị đối phó.
Sau chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ hồi hương trở thành biểu tượng của một cuộc chiến thất nhân tâm. Cựu chiến binh trở về từ chiến trường Việt Nam bị người đời hất hủi, chế nhạo. Tình trạng vô gia cư và nghiện ma túy gia tăng trong giới cựu chiến binh này.
Chiến tranh Việt Nam cũng “tặng” người Mỹ món quà chất độc màu da cam mà trong một thời gian khá dài không được hiểu một cách tường tận hoặc hiểu nhầm. Nhiều cựu chiến binh Mỹ không hiểu tại sao những đứa con mới sinh ra đã bị khuyết tật.
Sau sự kiện ngày 11-9-2001, lính Mỹ lại lên đường chiến đấu tại các chiến trường mới: Iraq và Afghanistan.
Những tưởng tìm được chiến thắng một cách nhanh chóng, họ không ngờ đối mặt với một cuộc chiến lâu dài và khốc liệt. Không chỉ người lính mà cả nước Mỹ, VA cũng không chuẩn bị cho một cuộc chiến như thế.
Chiến tranh Afghanistan đã kéo dài đến 9 năm, trở thành cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, dài hơn chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến Iraq cũng kéo dài trên 7 năm, gấp đôi thời gian quân đội Mỹ tham gia thế chiến thứ hai.
Kể từ năm 2001, đã có khoảng 2 triệu nam, nữ lính tình nguyện chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, hơn 1 triệu cựu chiến binh trở về với cuộc sống đời thường, trong đó có nhiều người nếu không cụt tay, cụt chân thì cũng bị chấn thương về tâm thần như hội chứng PTSD và chấn thương não bộ (TBI). Cuộc đời của những người này thường trở thành một tấn bi kịch.
Clayborne Conley. Ảnh: Hawaii News
Câu chuyện của Zacchea
Mùa xuân năm 2005, trung tá thủy quân lục chiến Mike Zacchea trở về nhà ở Long Island, New York, từ chiến trường Iraq.
Chiến tích của Zacchea không ít. Trong chiến dịch tấn công quân nổi dậy phái Sunni ở Fallujah cuối năm 2004, Zacchea được tặng thưởng huân chương Sao Đồng và huân chương thương binh Purple Heart.
Sáu tháng đầu tiên ở nhà, Zacchea không nói chuyện với ai, tính tình cáu gắt, hung dữ. Ông ở ru rú trong nhà vì không chịu nổi cảnh giao thông tấp nập của thành phố New York. Ông suýt bóp cổ đến chết một phụ nữ bán hoa sau một cuộc cãi vã vớ vẩn.
Có một lần, Zacchea phóng hỏa đốt cửa buồng tắm vì vợ ông ở bên trong khóa trái cánh cửa. Ông nhầm tưởng vợ ông là quân khủng bố. Một bác sĩ ở Bệnh viện VA chẩn đoán ông bị TBI. Ông được đưa vào bệnh viện để chữa trị.
Ngày nay, Zacchea đã tốt nghiệp bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) của Trường Đại học Connecticut ở Hartfort.
Cũng tại nơi này, ông tham gia một trại huấn luyện những cựu chiến binh mắc hội chứng PTSD và TBI trở thành thương nhân thông qua các khóa học về kinh doanh. Nhưng trường hợp của cựu trung tá này hãy còn quá ít.
Kể từ ngày ông Obama vào Nhà Trắng cách đây một năm rưỡi, hơn 100.000 lính Mỹ đã được rút khỏi Iraq. Quân số Mỹ ở Iraq lên đến cực điểm vào năm 2007 với 166.000 người. Cuối năm 2011, Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Iraq.
Số cựu chiến binh Iraq quá lớn trở về Mỹ là cả một gánh nặng xã hội trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp cao, kinh tế chưa thoát khỏi trì trệ. Trong khi đó, hệ thống y tế của VA không đáp ứng nổi nhu cầu đột ngột tăng vọt số người mắc phải PTSD và TBI.
Theo báo cáo năm 2006 của Cơ quan Kiểm toán chính phủ, 77.000 cựu chiến binh có vấn đề về sức khỏe tâm thần cần nhờ cậy các dịch vụ của VA để tái hội nhập xã hội. Nay có thêm hàng chục ngàn cựu chiến binh Iraq trở về, VA càng rối.
Bình luận (0)