Tổng thống (TT) Barack Obama dự kiến sẽ chính thức thông báo với quốc dân về sự kết thúc sứ mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq vào 20 giờ ngày 31-8 ở Nhà Trắng (7 giờ sáng 1-9 tại VN) sau khi ông đi thăm một số cựu binh trở về từ Iraq tại căn cứ Fort Bliss ở bang Texas.
Theo hãng tin AP, đã có hơn 200.000 lính Mỹ rời khỏi căn cứ Fort Bliss để được triển khai tại Iraq. Cuộc chiến đã kéo dài suốt 7 năm khiến 4.400 quân nhân tử nạn và hàng ngàn lính Mỹ bị thương.
TT Obama vốn là người chỉ trích cuộc chiến này khi nó mới bắt đầu và hứa sẽ kết thúc chiến tranh lúc ông tranh cử TT.
Ông Obama cũng sẽ gọi điện cho cựu TT George W. Bush, người đã quyết định tấn công Iraq với sự hậu thuẫn của chính quyền Anh hồi năm 2003.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs đã khuyến khích dân Mỹ, dù ủng hộ hay phản đối cuộc chiến Iraq, nên đón mừng những người lính Mỹ trở về.
Binh sĩ Mỹ từ Iraq trở về một căn cứ quân sự bên ngoài Washington hôm 28-8. Ảnh: AP
Trước đó, Phó TT Joe Biden được phái đến Baghdad trong đêm 30-8. Theo hãng tin AP, chuyến đi của ông Biden nhằm cam kết rằng Mỹ không bỏ rơi đất nước Iraq vẫn còn bị xâu xé vì chiến tranh nhưng sứ mệnh của Mỹ từ nay chủ yếu thiên về ngoại giao hơn quân sự.
Đến nay chỉ còn dưới 50.000 lính Mỹ tại Iraq – so với lúc cao điểm lên tới hơn 170.000 người hồi năm 2007.
Một buổi lễ được tổ chức trong ngày 1-9 để đánh dấu “Chiến dịch Bình minh mới tại Iraq”, trong đó, quân đội Mỹ chỉ giữ “sứ mệnh cố vấn và yểm trợ”.
Từ nay, về nguyên tắc, quân Mỹ sẽ không tham gia chiến đấu nếu không được yêu cầu hoặc không có quân Iraq cùng chiến đấu bên cạnh họ.
Mặt khác, Phó TT Biden muốn hóa giải bế tắc chính trị, kêu gọi sự hợp tác và chia sẻ quyền lực giữa Thủ tướng Nouri al-Maliki và cựu thủ tướng Ayad Allawi – điều mà ông Biden đã không làm được trong chuyến công du hồi tháng 7.
Cả hai ông này đều muốn giữ chức vụ thủ tướng trong chính phủ mới, sau cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng 3. Ông Biden cũng dự kiến hội đàm với TT Jalal Talabani, hai phó TT Tariq al-Hashemi và Abdel Abdul-Mahdi cùng giáo sĩ Hồi giáo Shiite Ammar al-Hakim.
Bình luận (0)