Khi quân đội Mỹ ăn mừng việc kết thúc nhiệm vụ tác chiến ở Iraq thì người bản xứ cũng bắt đầu lo ngại về khoảng trống chính trị và tình trạng an ninh của đất nước họ.
Người Mỹ rút quân đi, đáng lẽ người dân Iraq vui mừng vì từ nay họ có cơ hội làm chủ đất nước. Tuy nhiên, viễn ảnh một tương lai bất định đã làm giảm bớt sự phấn chấn và thay vào đó là sự cay đắng và nỗi lo canh cánh.
Chính trị bất ổn
Cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 3 vừa qua nhằm củng cố nền dân chủ non trẻ ở Iraq. Thế nhưng, nó lại làm cho bầu không khí chính trị trở nên khó thở hơn vì hai phái Hồi giáo quan trọng nhất là phái Sunni và phái Shiite chiếm số phiếu như nhau và không phe nào chịu nhượng quyền lãnh đạo. Rốt cuộc, đã 5 tháng trôi qua mà Iraq vẫn chưa có một chính phủ ổn định.
Đúng là bạo lực hoành hành khắp Iraq do chiến tranh giáo phái hồi năm 2006-2007 nay đã giảm đáng kể mặc dù vẫn còn những vụ tấn công lẻ tẻ lẫn nhau. Tuy nhiên, giờ đây do khủng hoảng chính trị, chính phủ mới chưa thành hình, người Mỹ ra đi để lại một khoảng trống, người ta e rằng bạo lực sẽ bùng phát trở lại giữa phái Sunni chống phái Shiite, giữa người Ả Rập chống người Kurd ở Bắc Iraq.
Tình hình nói trên gây lo ngại cho người dân địa phương. Chị Fatma Awni ở Adhamiya phát biểu trên đài truyền hình Ả Rập al-Jazeera: “Tôi xin hỏi tổng thống Obama liệu chính phủ này có thể điều hành đất nước? Quân đội Iraq chia rẽ vì nạn tham nhũng và nạn bè phái. Chúng tôi không muốn người Mỹ có mặt tại đây nhưng (trong tình hình này) họ phải ở lại cho đến khi nào chính phủ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng”.
Wissam Sabath, một người buôn thảm ở Baghdad, nói với nhật báo The Los Angeles Times: “Tôi không vui chút nào. Ngược lại, tôi thấy lo. Họ ra đi sớm quá vì chúng tôi chưa có chính phủ và chúng tôi không rõ rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi lo nội chiến sẽ bùng nổ. Tình hình ngày càng tồi tệ. Các chính khách đang đấu đá nhau và tôi nghĩ chắc chắn 100% rằng cuộc đấu đá đó sẽ lan ra đường phố”.
Công nhân nhà máy điện Doura ở Đông Nam Baghdad nhọc nhằn khắc phục sự cố. Mỗi ngày, nhà máy này chỉ cung cấp điện được vài giờ mặc dù được Mỹ đầu tư lớn. Ảnh: Getty Images |
Công dân Abdul-Rhida al-Jabouri cũng nói: “Với khoảng trống chính trị và việc trì hoãn thành lập chính phủ, Iraq sẽ bất ổn hơn khi quân đội Mỹ rút đi”.
Tuy nhiên, cũng có người nói khác. Amir Sa’adoon - chẳng hạn - nói: “Hãy để cho họ đi. Thà đi ngay hôm nay còn hơn đợi đến ngày mai. Chúng tôi không muốn họ ở đây nữa. Chúng tôi đã chán ngán đến tận cổ cuộc chiếm đóng này”.
Một số chính khách Iraq cũng không hài lòng. Mahmoud Othman, nghị sĩ Iraq gốc Kurd, nhận xét: “Nhiều người cho rằng cuộc rút quân của Mỹ là một cuộc trốn chạy. Đó là một cuộc rút quân vô trách nhiệm. Nó phù hợp với tình hình ở Mỹ nhưng không phù hợp với thực địa tại đây”.
An ninh chưa bảo đảm
24 giờ trước ngày lữ đoàn tác chiến cuối cùng của Mỹ rút khỏi Iraq, một kẻ đánh bom liều chết đã giết 63 người tụ tập trước một trung tâm tuyển quân ở Baghdad.
Trước đó, một loạt vụ tấn công vào thẩm phán tòa án, cảnh sát giao thông, quan chức cấp cao và lực lượng an ninh Iraq làm cho lòng dân xao xuyến. Không như người ta tưởng, nó cho thấy quân nổi dậy hầu như có mặt ở khắp nơi.
Ali Khalaf, một kỹ sư làm thêm nghề sơn nhà mới đủ ăn, cảm thấy lo lắng: “Có lẽ người Mỹ nên ở lại cho đến ngày quân đội và cảnh sát Iraq hoàn tất các khóa huấn luyện và trở thành một lực lượng trung thành thật sự với chế độ mới”.
Lính Iraq ở Baghdad. Quân đội Iraq chia rẽ vì xung đột phe phái. Ảnh: AFP |
Vấn đề an ninh cũng đã được đặt ra ở cấp cao trong bộ máy chính quyền Iraq. Trung tướng Babaker Zebari, Tổng Tham mưu trưởng Iraq, đã có những tuyên bố mâu thuẫn làm người dân thêm hoang mang.
Cách đây không lâu, tờ Los Angeles Times đưa tin tướng Zebari tiên đoán rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq không gây hậu quả nghiêm trọng. Ông hoàn toàn tin tưởng rằng lực lượng an ninh Iraq có thể bảo đảm an ninh.
Tuy nhiên, hồi tuần rồi, chính ông tướng này đã gây xôn xao dư luận khi ông cảnh báo rằng quân đội Iraq chưa sẵn sàng đảm trách vấn đề an ninh trước năm 2020 và Washington nên duy trì quân đội ở Iraq đến thời điểm đó.
Những kỷ niệm buồn
Iraq ngày nay không còn khủng khiếp như các năm 2006-2007 khi mỗi tháng trung bình có 3.000 thường dân Iraq chết vì các phe phái đánh nhau.
Nhưng sau hơn 7 năm bình định và chính quyền Mỹ hứa sẽ rút hết quân vào cuối năm 2011, người dân Iraq cảm thấy buồn tủi nhiều hơn vui vì sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Trong tâm trí người Iraq, những mất mát của người thân chưa bao giờ nguôi ngoai. Họ vẫn chưa quên những vụ chà đạp nhân phẩm người Iraq ở nhà tù Abu Graib.
Mặc dù Mỹ đã bỏ ra 8,7 tỉ USD để tái thiết hạ tầng cơ sở bị phá hủy, người Iraq không hề biết số tiền ấy đã được sử dụng ra sao khi mỗi ngày đèn nhà và tủ lạnh của họ chỉ hoạt động vài giờ. Họ càng phẫn nộ hơn khi một báo cáo kiểm toán của Mỹ công bố hồi tháng 7 vừa qua cho hay phần lớn số tiền nói trên đã bị xà xẻo, chiếm dụng trái phép mà Lầu Năm Góc không biết.
Ibtihaj Saadi, một giáo viên ở Baghdad, bức xúc: “Việc làm đáng ghi nhớ nhất của người Mỹ là lật đổ Saddam Hussein. Ngoài ra, tôi chẳng thấy có một thành tựu nào đáng kể cả”.
Kỳ tới: Cuộc chiến khác trên đất Mỹ
Bình luận (0)