Trong cuộc phỏng vấn được đài CNBC phát hôm 12-6, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Shareef Al Emadi cho biết không có gì phải lo ngại các biện pháp trừng phạt của một số nước, trong đó có nhiều nước láng giềng.
"Nguồn quỹ dự trữ và đầu tư của chúng tôi có giá trị nhiều hơn 250% GDP nên tôi nghĩ không có bất kỳ lý do nào khiến mọi người cần lo ngại về điều gì đang xảy ra đối với đồng riyal" - ông Emadi trấn an người dân sau khi đồng riyal giảm giá trị so với đồng USD kể từ khi khủng hoảng xảy ra.
Một cửa khẩu trống vắng tại biên giới Qatar - Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters
Phản ứng trên được đưa ra không lâu sau khi một nhóm nước do Ả Rập Saudi đứng đầu tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt các biện pháp phong tỏa Qatar, lấy lý do Doha ủng hộ khủng bố và Iran.
Động thái này làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu các sản phẩm, nguyên vật liệu vào Qatar cũng như khiến các ngân hàng nước ngoài giảm quy mô làm ăn với quốc gia này.
Tuy nhiên, ông Emadi cảnh báo các nước trừng phạt Qatar cũng sẽ tổn thất vì môi trường kinh doanh ở khu vực bị ảnh hưởng. "Nhiều người nghĩ chỉ chúng tôi chịu thiệt hại… Nếu chúng tôi mất 1 USD, họ cũng mất 1 USD" - Bộ trưởng Tài chính Qatar dự báo.
Với quỹ đầu tư quốc gia trị giá 335 tỉ USD đang nắm cổ phần của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, Qatar có đủ sức mạnh tài chính để chống chọi sự phong tỏa của các nước láng giềng Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain - đều là thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Qatar.
Dù vậy, nếu khủng hoảng kéo dài, theo các nhà phân tích, Qatar có nguy cơ "trả giá" không nhỏ về nhiều mặt, như kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng, xếp hạng tín nhiệm bị hạ, thanh khoản khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm…
Vào giữa tuần rồi, Cơ quan Standard & Poor’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của Qatar từ mức AA xuống AA-. Chưa hết, theo tờ Telegraph, kế hoạch tổ chức vòng chung kết World Cup 2022 ở Qatar có thể bị chệch hướng. Chịu sức ép không nhỏ là chương trình xây dựng trị giá 160 tỉ USD cần được hoàn thành để Qatar sẵn sàng làm chủ nhà của sự kiện thể thao hàng đầu thế giới này. Việc các nước láng giềng hạn chế đi lại và siết chặt kiểm soát biên giới với Qatar khiến nước này gặp khó trong việc tuyển dụng hàng chục ngàn lao động di cư và vật liệu xây dựng cần thiết cho chương trình.
Nói thế không có nghĩa là những cảnh báo của ông Emadi không có cơ sở. Một báo cáo mới của Công ty Dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ) đánh giá xung đột ngoại giao hiện nay có tác động xấu đến thương mại và đầu tư ở vùng Vịnh, đe dọa gây thiệt hại nhiều tỉ USD cho các nước liên quan.
Theo thống kê, kim ngạch thương mại giữa Qatar và các nước vùng Vịnh lên đến 11 tỉ USD. Ông James Reeve, chuyên gia tại Ngân hàng Samba Financial Group (Ả Rập Saudi), nhận định với trang Bloomberg: "Các nhà đầu tư sẽ nhớ đến khu vực này như là nơi các tranh cãi chính trị có thể nổ ra bất kỳ lúc nào".
Đây là điều không hề có lợi cho Ả Rập Saudi, nhất là khi nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đang tìm cách thu về nhiều tỉ USD từ việc bán cổ phần của Tập đoàn dầu Saudi Aramco. Trong trường hợp Qatar đáp trả bằng cách rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nỗ lực của Riyadh trong việc thúc đẩy một liên minh chặt chẽ hơn ở khu vực sẽ bị giáng một đòn mạnh.
"Đây là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến tất cả các bên liên quan. Động thái này còn có thể nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và thậm chí là Nga" - ông Theodore Karasik, cố vấn cao cấp của Công ty Tư vấn Gulf State Analytics (Mỹ), nhận định.
Bình luận (0)