Mới đây UAE tiếp bước Ả Rập Saudi cắt đứt mọi liên hệ trên đất liền, trên biển và đường hàng không với Qatar với cùng cáo buộc quốc gia giàu khí đốt này đang ủng hộ các nhóm khủng bố cực đoan.
Tuy nhiên, UAE đã tránh không ngắt hệ thống đường ống bơm khí đốt từ Qatar, đơn giản là vì một nửa lượng điện năng của UAE đang phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu này. Nếu không có nguồn năng lượng này, các tòa nhà chọc trời lấp lánh của Dubai sẽ tối tăm vì thiếu điện, trừ khi UAE thay thế nguồn khí thiên nhiên từ Qatar bằng một nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng đắt tiền hơn.
Không có nguồn khí thiên nhiên từ Qatar, các tòa nhà chọc trời tại Dubai sẽ trở nên tối tăm vì thiếu điện. Ảnh: Press TV
Tình hình nhập khẩu khí thiên nhiên từ Qatar sang UAE hiện ra sao?
Theo một nguồn tin giấu tên, khí thiên nhiên vẫn đang tiếp tục được bơm bình thường sang UAE và Oman thông qua một hệ thống đường ống và chưa có dấu hiệu nguồn cung này sẽ bị ngắt.
Công ty năng lượng Dolphin Energy Ltd., có trụ sở tại Abu Dhabi và cũng là đơn vị vận hành đường ống, đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Những cái tên đằng sau đường ống khí đốt giữa Qatar và UAE?
Qatar, quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới, hiện bơm tổng cộng hơn 56,6 triệu m3 nhiên liệu mỗi ngày thông qua đường ống dẫn dưới biển dài 364 km.
Dolphin Energy, nhà điều hành đường ống liên kết này, vốn là liên doanh giữa Công ty Đầu tư Mubadala (nắm giữ 51% cổ phần) với Công ty Occidental Petroleum Corp. và Công ty Total SA (mỗi công ty nắm giữ 24,5% cổ phần).
Theo trang web của Mubadala, từ năm 2007, công ty liên doanh này đã khai thác khí đốt từ vùng mỏ phía Bắc của Qatar và vận chuyển nó tới trạm Taweelah ở Abu Dhabi. Bên cạnh đó, Dolphin còn phân phối khí đốt ở Oman.
Đường ống bơm khí đốt từ Qatar sang UAE và Oman do công ty Dolphin điều hành (màu xanh). Ảnh: Gulf Business News
Mức độ cấm vận của UAE đối với Qatar?
Cơ quan quản lý các cảng dầu của UAE vào tối 7-6 tiếp tục ra lệnh hạn chế các tàu quốc tế đi từ UAE đến Qatar và ngược lại, đồng thời cũng ngăn không cho các tàu có gắn cờ Qatar nhập cảng của UAE.
Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu ở trang Bloomberg, tàu chở dầu Apollo Dream sau khi neo đậu tại một cảng xa bờ ở Qatar hôm 6-6 đã được chất hàng (2 triệu thùng dầu thô) tại một cảng xa bờ của Adu Dhabi vào hôm 7-6. Con tàu này hiện neo đậu tại cảng Ras Tanura của Ả Rập Saudi.
Một số cảng khác của UAE, bao gồm cảng Jebel Ali (Dubai) – cảng container lớn nhất khu vực - và trung tâm kinh doanh dầu tại Fujairah hiện cấm tất cả các tàu du lịch đến và đi từ Qatar.
Tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell Plc (thường được biết đến là Shell, là một công ty dầu khí đa quốc gia liên kết giữa Hà Lan và Anh) đã gửi một tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến cảng Jebel Ali để cung cấp nhiên liệu theo hợp đồng trong bối cảnh các tàu chở dầu đến và đi từ Qatar đang bị cấm.
Bình luận (0)