Tuy nhiên, thay vì mang lại niềm vui và tiếng cười, chúng lại cản trở giao thông, gây ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng và ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi đường.
Theo Reuters, nhờ trang trí Giáng sinh lộng lẫy, các bang New York, New Jersey và Connecticut (Mỹ) nhanh chóng biến thành địa điểm thu hút khách du lịch nhưng cũng gây ra những phiền toái nhất định. "Những con đường tràn ngập người đi bộ. Hồi năm ngoái, xe cứu thương đã gặp khó khăn khi di chuyển" - Josephine Beckmann, một quan chức địa phương ở bang New York, than thở.
Ngoài ách tắc giao thông, người dân các khu vực này bắt đầu phàn nàn về "núi rác" do người bán hàng rong để lại, không khí đầy mùi khó chịu do những chiếc xe tải chở thực phẩm…
Tại thị trấn Old Bridge, bang New Jersey, màn trình diễn ánh sáng với 300.000 chiếc đèn của người dân tên Tom Apruzzi bị mọi người phản đối. Tương tự, ở thị trấn Fairfield, bang Connecticut, cảnh sát tiếp nhận đơn khiếu nại của 40 hộ dân về buổi trình diễn mang tên "Xứ sở thần tiên tại Roseville" gây lãng phí điện cũng như vấn đề chỗ đậu xe. Buổi trình diễn này hồi năm ngoái thu hút khoảng 30.000 người. Cuối cùng, họ đồng ý lệnh cấm đậu xe tạm thời ở một bên đường, đồng thời chủ nhà đồng ý tắt đèn sớm hơn 1 giờ và giảm âm lượng bài hát chủ đề.
Người dân thị trấn Fairfield, bang Connecticut - Mỹ trang trí đèn đón Giáng sinh Ảnh: REUTERS
Không riêng gì Mỹ, nhiều nước châu Á cũng trang hoàng rực rỡ để chào đón Giáng sinh. Tại Hồng Kông, từ thời điểm này đến Tết nguyên đán, các tòa nhà và bến cảng thường trở nên lung linh với đèn trang trí nhiều màu sắc. Nhưng các lễ hội ánh sáng cũng gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân. Cô Sally Law, 22 tuổi, đến từ Úc, chia sẻ cảm nghĩ khi ở Hồng Kông 4 tháng: "Đèn ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ của tôi, khiến tôi ngủ muộn hơn bình thường".
Tính đến tháng 7 năm nay, nhà chức trách Hồng Kông nhận được nhiều khiếu nại liên quan đến ô nhiễm ánh sáng. Năm ngoái, Cục Bảo vệ môi trường Hồng Kông (EPD) nhận được 337 khiếu nại, chủ yếu phàn nàn về ánh sáng từ các cửa hàng và bảng hiệu. Một cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng mật độ ánh sáng trong đêm (từ 20 giờ 30 phút đến 23 giờ) ở khu vực Tsim Sha Tsui cao gấp 1.000 lần so với tiêu chuẩn quốc tế.
Còn theo một nghiên cứu khác ở Hàn Quốc năm 2016, các nhà khoa học chứng minh rằng có mối liên hệ giữa mất ngủ với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm mặc dù mối liên hệ này chỉ được quan sát thấy ở những người từ 47-70 tuổi.
Chính quyền một số nước, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp và Anh, đã ban hành quy định về chiếu sáng ban đêm. Tại TP Thượng Hải - Trung Quốc, luật quy định rõ ánh sáng (thương mại) ban đêm không được làm ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của người dân lân cận.
Nhà chức trách ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc có thể phạt những người vi phạm Luật Phòng chống ô nhiễm ánh sáng 3 triệu won (khoảng 2.800 USD). Còn chính quyền thủ đô Paris - Pháp yêu cầu các cửa hàng tắt điện trước 1 giờ sáng từ năm 2013, nếu không sẽ bị phạt 750 euro (890 USD).
Bình luận (0)