Hơn 215.000 người đã mất mạng và hơn một nửa dân số Syria mất nhà cửa trong vòng 4 năm qua. Các tổ chức nhân quyền cho rằng đó là sự thất bại của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề ở Syria.
Khoảng 4 triệu người Syria đã bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có hơn 500.000 người tới tị nạn ở nước láng giềng Lebanon. Ảnh: Al Jazeera
Người dân vô tội ở Syria đang sống trong các cuộc chiến liên miên giữa nhiều thế lực bao gồm: quân chính phủ, các nhóm thánh chiến, các tay súng người Kurd và các nhóm nổi dậy khác.
Con đường ngoại giao vẫn bế tắc khi cả hai vòng đám phán hòa bình đều không đạt được bước tiến nào, thậm chí đến đề xuất cho một lệnh ngừng bắn địa phương ở thành phố Aleppo cũng thất bại.
Cuộc xung đột bắt đầu từ một cuộc nổi dậy chống chính phủ khi người biểu tình xuống đường hôm 15-3-2011. Cuộc biểu tình xuất phát từ phong trào tương tự ở Ai Cập và Tunisia được đặt tên là “Mùa xuân Ả Rập”.
Tuy nhiên, sự trấn áp tàn bạo của chính quyền Damascus đối với người biểu tình đã khiến cuộc xung đột bị quân sự hóa và ngày nay nó đã biến thành một cuộc xung đột tàn khốc trên nhiều mặt trận.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trong số hơn 215.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột, có gần 1/3 là dân thường, trong đó có 10.000 trẻ em.
Con số thương vong đầy đủ được cho là còn cao hơn nhiều bởi số phận của hàng chục ngàn người mất tích vẫn chưa được ghi nhận.
Tổ chức tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tuyên bố Syria hiện là “vấn đề khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp nhất thời đại”.
Khoảng 4 triệu người đã bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có hơn 500.000 người tới tị nạn ở nước láng giềng Lebanon.
Tại Syria, hơn 7 triệu người mất nhả cửa. LHQ cho biết khoảng 60% dân số quốc gia Trung Đông này đang sống ở mức nghèo.
Cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, đồng nội tệ rơi tự do, các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Syria đang quay ngược lại thời gian khoảng 30 năm.
Theo SOHR, 130.0000 người bị tra tấn tới chết kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Hàng chục ngàn người vẫn còn bị giam giữ trong các cơ sở của chính quyền Assad.
Bất chấp sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế về con số thương vong đáng lo ngại trong cuộc chiến, cũng như các cáo buộc cho rằng chế độ Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến vào tháng 8-2013, Tổng thống Bashar al-Assad vẫn quyết không từ chức.
Lực lượng quân đội chính phủ vẫn củng cố sức mạnh tại thủ đô Damascus và chuyển xuống vao vây lực lượng nổi dậy ở Aleppo.
Không những thế, sự chuyển hướng quan tâm của dư luận quốc tế sang sự trỗi dậy của IS cũng góp phần giảm nhẹ áp lực lên chính quyền Assad.
Ngay cả quan điểm từ phía Mỹ đối với chế độ Assad cũng được cho là đã có sự thay đổi.
Hôm 15-3, giám đốc CIA John Brennan cho biết Washington lo ngại sự “sụp đổ” của chính phủ Syria có thể mở đường cho sự tiếp quản của IS. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng khẳng định ưu tiên số một của Mỹ trong vấn đề Syria là đánh bại IS.
Hôm 12-3, 21 nhóm nhân quyền đã ra tuyên bố cảnh báo cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc triển khai nghị quyết Liên Hiệp Quốc và kết thúc cuộc xung đột ở Syria. “Đây là một sự phản bội đối với lý tưởng của chúng ta” – Tổng thư ký Hội đồng tị nạn Na Uy Jan Egeland nhấn mạnh trong tuyên bố.
Bình luận (0)