Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Iran và Israel vẫn ngầm đối đầu với nhau - thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, các vụ ám sát, cuộc tấn công mạng - nhưng chưa bao giờ mặt đối mặt trên chiến trường. Điều này có thể thay đổi và cuộc chiến Iran - Israel, nếu xảy ra, sẽ tác động to lớn đến Syria, Lebanon và toàn bộ Trung Đông.
Không bên nào thực sự muốn chiến tranh. Một kịch bản như thế đe dọa gây thiệt hại cho nền kinh tế công nghệ cao đang hưng thịnh của Israel cũng như không có lợi cho đồng nội tệ Iran đang trượt giá. Tuy nhiên, lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRG) dường như đang quyết tâm biến Syria thành một căn cứ để gây áp lực lên Israel trong khi Tel Aviv quyết tâm ngăn chặn điều này. Trong những tuần qua, lần đầu tiên Israel và Iran đã âm thầm bắt đầu tung đòn trực diện ở Syria.
Căn cứ không quân T4 tại Syria bị hư hại trong vụ không kích được cho là do Israel tiến hành hồi tuần trước
Ảnh: ARAB MEDIA
Hai nước đã giao đấu được 2 vòng và vòng thứ 3 đang chực chờ nổ ra, đe dọa dẫn đến một cuộc giao tranh khốc liệt tại Syria. Vòng đầu tiên diễn ra hôm 10-2 khi máy bay không người lái của lực lượng Quds xuất phát từ căn cứ không quân T4 tại miền Trung Syria bị trực thăng Apache của Israel phóng tên lửa bắn hạ sau khi xâm nhập không phận phía Bắc nước này.
Thông tin ban đầu cho rằng chiếc máy bay không người lái này chỉ làm nhiệm vụ trinh sát. Nhưng phát ngôn viên quân đội Israel sau đó nói đường bay và kết quả phân tích chiếc máy bay cho thấy nó đang chở thuốc nổ và có sứ mệnh "phá hoại lãnh thổ Israel". Nếu cáo buộc này đúng, nó cho thấy lực lượng Quds - do tướng Qassem Suleimani đứng đầu - đã tìm cách phát động cuộc không kích thực sự nhằm vào Israel.
Vòng thứ 2 diễn ra hôm 9-4. Khi đó, máy bay Israel phóng tên lửa vào căn cứ T4, qua đó lần đầu tiên nhắm trực tiếp vào cơ sở và quân nhân Iran tại Syria. Kết quả, 7 thành viên lực lượng Quds thiệt mạng, trong đó có đại tá Mehdi Dehghan, chỉ huy đơn vị máy bay không người lái. Trong khi người phát ngôn quân đội Israel từ chối xác nhận hoặc bác bỏ cuộc tấn công do họ tiến hành, chính phủ Iran lại làm to chuyện một cách khác thường và thề sẽ bắt Tel Aviv nhận "đòn trả đũa tương xứng" và "hối tiếc vì hành động sai trái của mình".
Giờ đây, cả khu vực đang nín thở chờ xem liệu vòng thứ 3 có xảy ra hay không? Giới chức quốc phòng Israel cho biết nếu Iran không kích đáp trả, Tel Aviv có thể tận dụng cơ hội này để tấn công toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của Tehran tại Syria. Iran được cho là đang cố thiết lập ở Syria các căn cứ không quân hiện đại và nhà máy sản xuất tên lửa dẫn đường bằng GPS có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở Israel với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, Iran cũng dự định cung cấp những tên lửa này cho phong trào Hezbollah ở Lebanon. Các quan chức quốc phòng Israel cho biết nước này sẽ không mắc sai lầm tương tự ở Lebanon - để Hezbollah trở thành mối đe dọa tên lửa lớn ở đó - bằng cách cho phép Iran làm điều tương tự tại Syria.
Iran đang có mối bận tâm chính đáng về an ninh tại vùng Vịnh - một số quốc gia Ả Rập Sunni thù địch, thân Mỹ đang cố hạn chế ảnh hưởng và làm suy yếu Tehran. Sau khi giúp Tổng thống Bashar al-Assad trấn áp cuộc nổi dậy, Iran bắt tay xây dựng căn cứ và nhà máy tên lửa ở Syria và đây dường như là động thái của tướng Suleimani nhằm mở rộng ảnh hưởng của Tehran ở bên ngoài trong lúc tăng cường vị thế trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Lực lượng Quds ít nhiều đang kiểm soát 4 thủ đô Ả Rập (Damascus - Syria, Beirut - Lebanon, Baghdad - Iraq, Sanaa - Yemen) thông qua lực lượng ủy nhiệm.
Cuộc không kích của Israel vào căn cứ T4, cùng với cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp, đã phơi bày những điểm yếu chiến lược của cả Nga và Iran ở Syria. Lực lượng của họ rất mạnh mẽ so với phiến quân ở đó nhưng lại không như thế khi so với các lực lượng phương Tây và Israel. Iran, quốc gia phụ thuộc phần lớn vào hệ thống phòng không Syria, lại nằm trong tầm ngắm của không quân Israel.
Tướng Suleimani có thể lựa chọn tấn công lại Israel thông qua lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông hoặc chống lại các mục tiêu của Israel trên toàn cầu. Nhưng giờ đây ông ta phải suy nghĩ cẩn trọng về điều đó bởi lực lượng của ông ở Syria đã bị đưa vào tầm ngắm và tình hình tài chính khó khăn của Iran. Đồng rial trong nước đang mất 1/3 giá trị từ đầu năm đến giờ và một cuộc đối đầu quy mô lớn hơn với Israel sẽ chỉ khiến tình hình trầm trọng thêm.
Có vẻ như ông Suleimani đang đi ngược lại ý của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Rouhani. Cả hai nhà lãnh đạo này đều muốn tình hình Syria xuống thang, không trở thành gánh nặng tài chính hoặc kiệt quệ tài chính và trở thành vũng lầy quân sự - một nguy cơ có thể xảy ra nếu ông Suleimani biến nước này thành nơi xảy ra cuộc chiến trực tiếp với Israel.
Dù vậy, những trở ngại về kinh tế chưa từng ngăn được ông Suleimani cũng như lực lượng Quds trước đây và bây giờ có thể cũng thế. Tham vọng của họ là không nhỏ - thiết lập một căn cứ để gây áp lực trực tiếp lên Israel và tăng ảnh hưởng đối với các nước Ả Rập láng giềng. Giới quan sát đang chờ động thái tiếp theo của ông Suleimani. Liệu ông ta có xuống nước, chịu mất mặt một chút và chờ đến khi mạnh hơn? Liệu Israel có để ông Suleimani làm điều đó?
Bình luận (0)