Theo Chỉ số Sức mạnh châu Á mới được Viện Lowy (Úc) công bố, Mỹ vẫn mạnh nhất về quân sự ở châu Á và giữ vị trí trung tâm của mạng lưới các liên minh mà Bắc Kinh không thể sánh được.
Thế nhưng, bước tiến kinh tế của Trung Quốc là không thể đảo ngược. Nhìn tổng thể, kinh tế Mỹ vẫn trội hơn Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh lại đang vượt lên về quy mô và mức độ sâu sắc của các mối quan hệ kinh tế ở châu Á. Đây là điểm yếu nổi bật của Mỹ ở châu Á và sự kiện Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương khiến vai trò của Mỹ sụt giảm hơn nữa.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại cuộc gặp ở TP New York - Mỹ hôm 20-7 Ảnh: REUTERS
Khoảng cách về sức mạnh giữa Mỹ, Trung Quốc với các nước còn lại trong khu vực là không nhỏ. Tuy nhiên, các nước châu Á khác đang trỗi dậy nhanh chóng. Theo bảng xếp hạng trên, Ấn Độ hiện đứng thứ 4 và sắp trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và bổ sung 169 triệu người vào dân số trong độ tuổi lao động giai đoạn 2016-2030.
Tại châu Á, sức mạnh nổi bật nhất của Mỹ nằm ở các liên minh và mạng lưới phòng thủ. Trong suốt hơn một nửa thế kỷ, các chính quyền Mỹ đã xây dựng được một mạng lưới các liên minh khắp châu Á khiến Trung Quốc phải ganh tỵ. Trong số những nước có quan hệ liên minh chính thức với Mỹ là Nhật Bản (đứng thứ 3), Úc (6), Hàn Quốc (7), Thái Lan (11), New Zealand (12)…
Trong lúc hoài nghi về hiệu quả của các mối quan hệ liên minh nói trên, ông Trump đã bỏ qua một điểm quan trọng hơn: Chỉ số Sức mạnh châu Á cho thấy các liên minh này thúc đẩy lợi ích của Mỹ và giá trị của chúng không thể đo đếm bằng tiền bạc.
Tuy nhiên, ở châu Á không chỉ có sự cạnh tranh Mỹ - Trung. Một cuộc chơi lớn mới đang diễn ra khi Nhật Bản, Singapore, Úc, Hàn Quốc hiện có tầm ảnh hưởng vượt trội so với quy mô kinh tế và quân sự của họ.
Bình luận (0)