Quân đội Nga vào cuối tháng rồi phóng thử tên lửa đạn đạo lớn nhất từ trước đến giờ. Moscow cho biết tên lửa Sarmat - có trọng lượng khoảng 200 tấn và được giới phân tích quốc phòng phương Tây gọi là "Satan 2" - là chiếc đầu tiên có tầm bắn đủ lớn để đánh trúng bất kỳ vị trí nào trên trái đất từ một điểm phóng. Cuộc phóng thử này được chính Tổng thống Vladimir Putin thông báo. Nhà lãnh đạo này cũng từng nói đến Sarmat trong bài diễn văn trước thềm cuộc bầu cử hôm 18-3. Đây là mối đe dọa rõ ràng đối với các kẻ thù của Nga, đặc biệt là Mỹ.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh cách đây 3 thập kỷ, quân đội Mỹ luôn dẫn đầu trong phát triển tên lửa và công nghệ có thể tấn công bất kỳ đâu trên hành tinh. Tuy nhiên, Washington bất ngờ phải đối mặt với một thế giới, nơi những đối thủ tiềm tàng nhất đã đầu tư mạnh mẽ vào vũ khí tầm xa.
Dù sự tập trung đang đổ dồn vào các cuộc thử tên lửa và đầu đạn của Triều Tiên, thực tế là nước này chỉ mới bắt kịp với công nghệ mà các cường quốc hạt nhân thành danh có được trong những năm 1950 và 1960. Ngược lại, Nga và Trung Quốc đã thúc đẩy một thế hệ vũ khí mới, tập trung vào loại tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền và từ biển với tầm bắn xuyên lục địa.
Điều khiến Lầu Năm Góc lo ngại là số vũ khí mới nói trên cũng bao gồm những loại tên lửa nhỏ hơn, bay nhanh và có lẽ là không thể bị ngăn chặn. Mục tiêu của chúng là tiêu diệt máy bay, tàu chiến và nhất là tàu sân bay Mỹ, được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ trên toàn thế giới. Hiện chưa thể biết rõ những loại tên lửa mới nói trên hoạt động ra sao trong thực tế - dù chỉ sự tồn tại của chúng thôi vẫn có thể đủ sức răn đe kẻ thù gây chiến hoặc can thiệp vào các cuộc xung đột nhỏ hơn.
Ngay cả khi vũ khí mới đáp ứng kỳ vọng, Nga và Trung Quốc nhìn chung vẫn chưa thể sánh với Mỹ, quốc gia đang dẫn trước khá xa về mặt chi tiêu quân sự. Trong thập kỷ qua, Moscow và Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, đầu tư cho tàu, căn cứ và tên lửa mới. Tuy nhiên, không nước nào có thể bắt kịp hải quân Mỹ về quy mô, tầm hoạt động và khả năng sống sót của hạm đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Họ cũng không có loại máy bay tương tự máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ, có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không bị phát hiện.
Vụ thử tên lửa Sarmat mới đây của Nga Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA
Nhưng sự cân bằng đang dịch chuyển. Sau khi tìm hiểu kỹ sự thống trị của quân đội Mỹ, các nhà hoạch định quân sự ở Nga và Trung Quốc nhận định công nghệ tên lửa tiên tiến có thể dễ dàng đánh bại sự vượt trội đó. Một số tên lửa này có thể đang hoạt động và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với quân đội Mỹ nếu xung đột xảy ra. Sarmat dự kiến thay thế một thế hệ tên lửa Nga cũ hơn vào những năm 2020.
Nga gần đây còn tuyên bố thử tên lửa chống đạn đạo A-135 đã được triển khai quanh thủ đô Moscow. Hệ thống này tương tự những gì Mỹ đang triển khai ở châu Âu và châu Á với khả năng đánh chặn một số đầu đạn đang hướng đến. Tuy nhiên, chúng và những loại vũ khí tương đương của Trung Quốc có thể phá hủy những vệ tinh mà các lực lượng phương Tây đang phụ thuộc. Giới chức quân sự Nga tuyên bố tên lửa chống hạm mới Zircon của họ có khả năng đạt tốc độ hơn 6.400 km/giờ, tức nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh. Nếu thông tin này là chính xác, Zircon sẽ bay nhanh hơn bất kỳ thứ gì hiện có trong kho vũ khí Mỹ và hầu như không thể bị đánh chặn được. Trong 2 năm gần đây, Trung Quốc đã giới thiệu các tên lửa tầm trung, một trong số đó được gọi là "sát thủ tàu sân bay" vì khả năng tấn công những tàu chiến lớn nhất của Mỹ.
Cả Moscow và Bắc Kinh đều tăng cường đầu tư vào tên lửa phòng không và chống máy bay, quyết tâm hạn chế khả năng hoạt động trên lãnh thổ kẻ thù trong thời chiến của Washington. Nga còn xuất khẩu các hệ thống như vậy cho một số đối thủ tiềm tàng nhất của Mỹ, trong đó có Iran và Syria. Ngoài ra, cả Nga và Trung Quốc đều xem công nghệ tên lửa là chìa khóa để đẩy lùi Mỹ và các đồng minh. Riêng Moscow nhiều lần đề cập chuyện đặt tên lửa Iskander siêu chính xác ở tỉnh Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Lithuania, cũng như gần biên giới với Trung Quốc - được xem là một lời nhắc nhở rằng Moscow vừa xem Bắc Kinh vừa là đối thủ vừa là đồng minh tiềm tàng.
Có khả năng mang cả đầu đạn nguyên tử và truyền thống, Iskander là lý do chính khiến các quốc gia Đông Âu muốn Mỹ triển khai thêm nhiều tên lửa phòng không Patriot ở nước họ. Bất kỳ động thái nào như thế có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang trong bối cảnh an ninh toàn cầu gặp nhiều sức ép. Khắp thế giới, làn sóng tấn công mạng và những hình thức đối đầu mới khác đang định nghĩa lại giao chiến là gì. Cộng với sự trở lại của cuộc đua tên lửa không khác gì thời chiến tranh lạnh này, thế giới có thể đang hướng đến "một sự cân bằng của nỗi khiếp sợ" (sự cân bằng của các cường quốc có vũ khí hạt nhân và không nước nào dám phát động chiến tranh hạt nhân trước vì sợ cùng bị hủy diệt) cực kỳ đáng lo này.
Bình luận (0)