Phát biểu trên tàu HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh cập cảng Singapore ngày 11-10, ông Mike Wigston nhấn mạnh sẽ có "những đợt triển khai thường xuyên hơn, bao gồm Hải quân Hoàng gia và Không quân Hoàng gia Anh".
Ông Wigston cho biết song song với việc triển khai thêm nhiều khí tài quân sự, Anh cũng sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh rời khỏi Anh vào cuối tháng 5, bắt đầu chuyến hải hành dài 28 tuần, với tổng hành trình di chuyển khoảng 26.000 hải lý (khoảng 48.000 km) như một thông điệp khẳng định sức mạnh của hải quân Anh, đẩy mạnh kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: CNBC
Một phần trên trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: CNBC
Cao ủy Anh tại Singapore Kara Owen cho biết thêm hai tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh vừa quá cảnh qua kênh đào Panama và đang hướng đến vùng biển châu Á. Trước đó, Anh cho biết nước này sẽ triển khai vĩnh viễn hai tàu chiến ở các vùng biển châu Á, kể từ khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và các tàu hộ tống đến Nhật Bản vào tháng 9.
Cường quốc biển châu Âu tăng cường hiện diện tại châu Á
Kênh CNBC (Mỹ) dẫn lời bà Kara Owen cho biết: "Mong muốn của chúng tôi là hiện diện lâu dài ở đây hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác".
Tàu HMS Queen Elizabeth cập cảng Changi của Singapore ngày 11-10. Ảnh: LIANHE ZAOBAO
Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của tập đoàn Lockheed Martin được nhìn thấy trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tại Changi ngày 11-10. Ảnh: Reuters
Từ ngày 8 đến ngày 16-10, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tham gia cuộc tập trận đánh dấu kỷ niệm 50 năm ra đời của Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường, 5 quốc gia thành viên của Hiệp ước này gồm Anh, Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia. Cuộc tập trận quân sự quốc tế mang tên BERSAMA GOLD 21, diễn ra trên biển và trên không.
Việc triển khai này tiến hành trong bối cảnh Anh tìm cách thúc đẩy nhiều thỏa thuận thương mại hơn trên khắp thế giới sau khi nước này rời Liên minh châu ÂU (EU).
Hồi tháng 6, Anh bắt đầu tổ chức các cuộc đàm phán để gia nhập một liên minh thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sàn đáp của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tại căn cứ hải quân Changi của Singapore ngày 11-10. Ảnh: Reuters
Thành viên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)