Theo các hòa giải viên, sau khi thừa nhận thua cuộc trước ông Adama Barrow trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12 năm ngoái dưới áp lực của các nước Tây Phi, ông Jammeh ngày 21-1 đã chính thức rời Gambia sang lưu vong tại Guinea Xích Đạo.
Tổng thống mãn nhiệm Yahya Jammeh tại thủ đô Banjul của Gambia hồi tháng 11-2016. Ảnh: Reuters
Việc ông Jammeh rời khỏi Gambia đã chấm dứt tình hình căng thẳng ở nước này trong bối cảnh hàng ngàn binh sĩ Senegal và Nigeria trên lãnh thổ Gambia đã sẵn sàng ập vào thủ đô Banjul. Động thái này của ông Jammeh cũng mở đường cho Tổng thống đắc cử Adama Barrow trở về quê hương. Trước đó, vào ngày 19-1, ông Barrow đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tại Đại sứ quán Gambia ở Senegal.
Tổng thống đắc cử Adama Barrow tại Dakar, Senegal hôm 20-1. Ảnh: Reuters
Ông Jammeh lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 1994 và chính phủ của ông bị cáo buộc đã tra tấn và giết hại những người chống đối.
Sau khi ông Jammeh đi khỏi, không nhiều người tổ chức ăn mừng ở thủ đô Banjul nhưng một số người nói rằng họ thật sự cảm thấy nhẹ nhõm sau nhiều năm sống trong sợ hãi.
Hôm 20-1 tại khách sạn Dakar, ở Senegal, sau khi chính thức xác nhận ông Jammeh đã nhận thua và từ bỏ quyền lực, Tổng thống đắc cử Barrow phát biểu: “Những luật lệ gây sợ hãi đã bị xóa bỏ khỏi Gambia mãi mãi. Hỡi tất cả những ai đã buộc phải bỏ chạy khỏi đất nước vì tình hình chính trị, các bạn có thể tự do trở về nhà”.
Tổng thống đắc cử Adama Barrow phát biểu sau khi chính thức xác nhận ông Jammeh đã nhận thua trong cuộc bầu cử và chấp nhận rời Gambia. Ảnh: Reuters
Việc buộc được ông Jammeh rời khỏi Gambia sẽ được xem như một thắng lợi của ngoại giao châu Phi và có thể thiết lập nên một tiền lệ cho một khu vực mà những người ủng hộ dân chủ đã dành nhiều thập kỷ đấu tranh cho các cuộc bầu cử công bằng và chấm dứt chế độ độc tài.
Trong quá trình rời khỏi Gambia, lực lượng an ninh bảo vệ ông Jammeh không kháng cự lại các binh sĩ của khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS). Hiện nay, 4.000 binh sĩ ECOWAS vẫn lưu lại Gambia để đảm bảo an ninh.
Cuộc khủng hoảng Gambia vừa qua cũng được xem như một liều thuốc thử đối với ECOWAS bởi trong số 15 nước thành viên của khối này, ông Jammeh đã nắm quyền cai trị đối với đất nước mình lâu hơn bất kỳ vị tổng thống nào khác.
Ông Marcel de Souza, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, khẳng định: “Nếu điều tương tự xảy ra ở bất kỳ nước nào khác trong khối, chúng tôi cũng sẽ hành động như vậy".
Đoàn xe hộ tống đoàn đại biểu của các nước Tây Phi rời Gambia sau khi thuyết phục được ông Jammeh từ bỏ quyền lực. Ảnh: Reuters
Ông Jammeh đã yêu cầu được ân xá, được quyền đi và về Gambia, đồng thời yêu cầu chính đảng của ông được công nhận để đổi lấy việc ông rời khỏi đất nước này. Tuy nhiên, cuối cùng đã không có quyết định ân xá nào được thông qua. Chủ tịch Souza cũng khẳng định ông sẽ rất ngạc nhiên nếu có chuyện ông Jammeh được ân xá.
Ông Jammeh đã được Tổng thống Guinea-ông Alpha Conde đưa lên máy bay rời khỏi Gambia vào ngày 21-1. Ông Conde cũng chính là người đã cùng Tổng thống Mauritania-ông Mohamed Ould Abdel Aziz và những lãnh đạo khác đứng ra dàn xếp các điều kiện hòa giải để ông Jammeh chấp nhận rời Gambia.
Bình luận (0)