Một nhóm các binh sĩ vũ trang hạng nặng của Senegal đã tiến về phía biên giới Gambia. Họ được yểm trợ bởi lực lượng không quân, hải quân Nigeria cũng như các binh sĩ khác từ Ghana.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, phát ngôn viên quân đội của Senegal, ông Col Abdou Ndiaye, cho biết các binh sĩ đến Gambia mà không gặp phải trở ngại gì và đang hướng về thủ đô Banjul. Ông Ndiaye cảnh báo: "Chiến tranh đã bắt đầu. Nếu gặp bất cứ sự chống trả nào, chúng tôi sẽ đáp lại. Nếu có những người đang chiến đấu vì tổng thống mãn nhiệm, chúng tôi sẽ tấn công họ. Mục tiêu chính của Senegal là khôi phục dân chủ và cho phép tổng thống đắc cử tiếp nhận quyền lực".
Tuy nhiên, chỉ huy quân đội Gambia, ông Ousman Badjie, khẳng định quân của ông sẽ không chiến đấu với lực lượng Senegal vì tranh chấp "chính trị". "Tôi sẽ không để binh lính của mình liên quan đến một cuộc chiến ngu ngốc" - ông Badjie nói.
Tổng thống đắc cử Adama Barrow. Ảnh: REUTERS
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Barrow yêu cầu tất cả thành viên của các lực lượng vũ trang Gambia ở lại trong doanh trại, bất kỳ ai mang vũ khí bất hợp pháp sẽ bị coi là "nổi loạn". Ông Barrow, người hiện đang ở Senegal, tuyên bố ông sẽ không trở về thủ đô Banjul của Gambia đến khi các hoạt động quân sự chấm dứt.
Hôm 19-1, Nigeria đã triển khai máy bay trinh sát đến Gambia và cảnh báo rằng họ đã sẵn sàng tấn công quân sự.
Ông Barrow tuyên thệ tại đại sứ quán Gambia ở thủ đô Dakar của Senegal và chiến thắng hợp pháp của ông được cộng đồng quốc tế công nhận. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã gia hạn cho Tổng thống mãn nhiệm Yahya Jammeh đến trưa 20-1 để từ bỏ quyền lực. Tổ chức này còn đe dọa sẽ dùng đến vũ lực để buộc ông Jammeh rời ghế tổng thống.
15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ECOWAS và khẳng định rằng trước tiên Gambia cần đạt được một giải pháp chính trị.
Tuy nhiên, quốc hội Gambia lại ủng hộ quyết định không từ bỏ quyền lực của ông Jammeh. Các cuộc đàm phán trung gian trước thời hạn cuối sẽ được Tổng thống Guinea Alpha Conde dẫn đầu, sau khi cuộc nói chuyện giữa ông Jammeh và Tổng thống Mauritanie Mohamed Ould Abdel Aziz không thể phá vỡ bế tắc vào cuối ngày 19-1.
Bình luận (0)