Ông Montasser Sabal, cựu thị trưởng của thị trấn phía Nam Talitay, bị bắt vào tối 16-6 cùng với 3 đồng phạm khi họ chuẩn bị khởi hành từ cảng Batangas, phía Nam Manila. Anh trai của ông Sabal, Abdul Wahab Sabal, cũng từng là thị trưởng và bị bắn chết bên ngoài một khách sạn ở Manila vào năm ngoái.
Cả hai người đều nằm trong số 44 thị trưởng, phó thị trưởng và các quan chức bị Tổng thống Rodrigo Duterte xác định là "chính trị gia ma tuý" vào tháng 5-2019. Hơn 1/2 người trong danh sách này thiệt mạng trong tình huống tương tự mà các nhà chức trách cho rằng nghi phạm đã chống trả khi bị bắt và cố lấy súng của các sĩ quan.
Tướng Guillermo Eleazar kiểm tra các loại súng được tìm thấy bên trong một trong những phương tiện của cựu thị trưởng Montasser Sabal. Ảnh: PNP-PIO
Cảnh sát cho biết ông Sabal đã giật lấy súng công vụ của cảnh sát khi đang bị áp giải.
Tướng Guillermo Eleazar, cảnh sát trưởng quốc gia, cho biết ông Sabal là một "mục tiêu giá trị cao", từng là cựu cảnh sát biệt kích được đào tạo về phá bom. Ngoài buôn ma túy, ông Sabal còn bị tình nghi cung cấp vật liệu được sử dụng trong vụ đánh bom năm 2016 khiến 14 người thiệt mạng tại một chợ đêm ở TP Davao, quê nhà của ông Duterte.
Hiện vẫn chưa rõ lý do ông Sabal không bị khống chế trong lúc bị đưa đến trại tạm giam. Tướng Eleazar cho biết cuộc điều tra đầy đủ đang được tiến hành.
Theo hãng tin Reuters, cái chết của ông Sabal diễn ra 3 ngày sau khi cựu trưởng công tố tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), bà Fatou Bensouda, yêu cầu tòa án mở cuộc điều tra đầy đủ về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông Duterte, bắt đầu từ sau khi ông nhậm chức vào tháng 6-2016.
Văn phòng của bà Bensouda đã điều tra cuộc chiến chống ma túy đến tháng 3-2019, thời điểm chính quyền ông Duterte rút khỏi hiệp ước quốc tế thành lập tòa án.
Tuy nhiên, quyết định của ông Duterte không ngăn được tòa án tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về những hành vi phạm tội diễn ra trong những năm Philippines còn là thành viên của hiệp ước.
Trong yêu cầu của mình, bà Bensouda cho rằng tổng số dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy từ tháng 7-2016 đến tháng 3-2019 "dường như là từ 12.000-30.000 người". Trong khi đó, chính phủ Philippines tuyên bố con số này khoảng 8.000 người.
Phản ứng trước yêu cầu của bà Bensouda gửi đến tòa án, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Harry Roque, cho rằng tổng thống Philippines "sẽ không bao giờ hợp tác" với cuộc điều tra của tòa án khi gọi đó là "động cơ chính trị".
Ông Roque nói rằng bất cứ ai bị giết chết trong hoạt động hợp pháp trong khuôn khổ cuộc chiến chống ma túy ở Philippines có thể bị xem là "thiệt hại ngoài ý muốn" bởi các cảnh sát có quyền tự vệ khi thi hành công vụ.
Bình luận (0)