Hãng tin Kyodo News dẫn lời một quan chức Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản cho biết như trên. Ông Nakasone qua đời ở tuổi 101. Từng là thủ tướng từ năm 1982 đến năm 1987, ông Nakasone duy trì tình bạn thân thiết với cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Bản thân ông Nakasone từng thừa nhận mình không hoàn thành được mục tiêu cải cách "chủ nghĩa hoà bình" của đất nước cũng như sửa đổi Hiến pháp sau chiến tranh để làm rõ tình trạng của quân đội Nhật Bản.
"Sửa đổi Hiến pháp cần có thời gian. Tôi đã nhấn mạnh với công chúng rằng điều đó là cần thiết nhưng không thể bắt đầu công việc sửa đổi một cách nhanh chóng" - ông Nakasone nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1-2010.
Ông Yasuhiro Nakasone. Ảnh: Reuters
Đương kim Thủ tướng Shinzo Abe đặt ra mục tiêu chính là nới lỏng các giới hạn của Hiến pháp do Mỹ soạn thảo nhưng việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản vẫn còn gây tranh cãi. Đây là điều khoản không cho phép sử dụng chiến tranh để làm phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế liên quan đến Nhật Bản.
Ngoài vấn đề trên, ông Nakasone cũng phá vỡ một quy tắc bất thành văn, trong đó giới hạn ngân sách quốc phòng hằng năm xuống 1% tổng sản phẩm quốc dân (GNP).
Ông Nakasone giơ tay khi được bổ nhiệm làm thủ tướng năm 1982. Ảnh: Kyodo
Ông Nakasone và cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Ảnh: Kyodo
Năm 1983, ông Nakasone trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản đến thăm chính thức Hàn Quốc, giúp hàn gắn quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, ông đã khiến các nước châu Á phẫn nộ khi đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ cúng những người Nhật Bản tử trận (bao gồm các tội phạm chiến tranh).
Dù theo đuổi cải cách trong nước mạnh mẽ, tư nhân hóa các công ty đường sắt, thuốc lá và viễn thông độc quyền của Nhật Bản nhưng các nhà phê bình nói rằng ông Nakasone đã thất bại trong việc thực hiện một loạt đề xuất cải cách để giúp nền kinh tế Nhật Bản phát triển. Ông cũng đạt được ít thành tựu về cải cách hệ thống giáo dục của Nhật Bản.
Trong phần tiểu sử cá nhân, ông Nakasone sinh ra ở Takasaki, tỉnh Gunma vào ngày 27-5-1918. Ông tốt nghiệp Trường ĐH Tokyo trước khi bước chân vào Bộ Nội vụ năm 1941.
Bình luận (0)