Tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính, các giới chức Cyprus theo đuổi một chiến lược cứu trợ mới, có thể bao gồm một khoản vay từ Nga để đổi lấy các hợp đồng về khí đốt thiên nhiên và bán các tài sản của các ngân hàng gặp rắc rối nhất. Hãng tin AP cho biết phương án này có thể được bỏ phiếu thông qua sớm là trong ngày 21-3 (giờ địa phương). Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 26-3.
Một giới chức chính phủ Cyprus tiết lộ rằng đề xuất mới còn bao gồm một thuế suất đánh vào tiền gửi ngân hàng nhưng tỉ lệ phần trăm thấp hơn nhiều so với đề xuất ban đầu. Vị này cho biết thêm Liên hiệp châu Âu (EU) đã cho Cyprus thời hạn đến ngày 25-3 để đưa ra sáng kiến thay thế đề xuất đã bị quốc hội bác bỏ hôm 19-3 khiến Cyprus không được nhận gói cứu trợ 10 tỉ euro. Diễn biến nói trên làm gia tăng khả năng các ngân hàng nước này có thể bị sụp đổ, chính phủ vỡ nợ và Cyprus có thể bị buộc rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone).
Người dân Cyprus tụ tập bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Laiki đã đóng cửa ở thủ đô Nicosia ngày 21-3. Ảnh: AP
EU và đặc biệt là Đức từ lâu đã khăng khăng bảo lưu ý kiến sẽ không yêu cầu người dân của họ đóng góp để cứu trợ tài chính cho một đất nước mà ở đó nhà giàu Nga được hưởng lợi. Trong bối cảnh này, Cyprus đã quay sang Nga, đồng minh lâu đời, để xin giúp đỡ. Bộ trưởng Tài chính Michalis Sarris đã đến Moscow bàn bạc các phương cách hỗ trợ. Ông cam kết sẽ ở lại Nga cho đến khi chắc chắn có được lời hứa trợ giúp.
Ông Sarris xác nhận: “Chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi đạt được một thỏa thuận nào đó”. Người Nga nắm giữ khoảng 1/3 trong số 68 tỉ USD tiền gửi tại các ngân hàng của Cyprus. Do đó, ý tưởng nhà chức trách nhúng tay trực tiếp vào các tài khoản ngân hàng đã làm cho người dân Cyprus cũng như người Nga cùng phẫn nộ.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Nga sẽ giúp đỡ Cyprus ở mức độ nào trong khi dư luận cho rằng Nga dường như đang do dự việc đổ thêm tiền vào đảo quốc này. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ trích eurozone và các giới chức Cyprus về kế hoạch đánh thuế tiền gửi ngân hàng, đồng thời ông đánh giá hành động của EU và chính phủ Cyprus là vụng về.
Trong khi đó, ông Jeroen Dijsselbloem, chủ tịch Nhóm Nác bộ trưởng Tài chính eurozone, tuyên bố gói cứu trợ tài chính vẫn còn đó nhưng Cyprus phải tìm cách kiếm được 6 tỉ euro như là điều kiện để nhận được nó.
Bình luận (0)