Mới nhất, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), hình ảnh chụp từ vệ tinh hôm 28-4 cho thấy máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 của Trung Quốc ngang nhiên đáp xuống Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép).
AMTI cho biết với bước đi này, Trung Quốc giờ đây đã đáp máy bay quân sự xuống cả 3 đường băng trên 3 đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Trường Sa - Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập.
Trước đó, tại cuộc họp báo vào tuần rồi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như xác nhận đã triển khai tên lửa chống hạm (ASCM) và hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) đến Trường Sa, bất chấp cộng đồng quốc tế lâu nay vẫn chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh vì quân sự hóa biển Đông.
Giới phân tích cho rằng bước đi khiêu khích mới này nhằm thách thức Mỹ và các đồng minh, như Úc, Nhật... Cả 2 loại tên lửa trên đều có thể được sử dụng để ngăn tàu thuyền đi lại trong lúc đe dọa tàu hải quân các nước khác khi tiến hành chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải.
Ảnh vệ tinh chụp hôm 28-4 cho thấy máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 của Trung Quốc xuất hiện trái phép tại Đá Xu Bi. Ảnh: AMTI
Sâu xa hơn, theo The National Interest, động thái trên còn phục vụ mưu đồ biến biển Đông thành một vùng "chống tiếp cận/từ chối khu vực" (AA/AD) - tức ngăn các đối thủ quân sự, nhất là hải quân Mỹ, đi vào hoặc hạn chế đáng kể hoạt động của họ bên trong khu vực. Nếu thành công, Bắc Kinh có thể độc chiếm tài nguyên biển Đông hoặc gây khó khăn cho hải quân các nước khác trong việc đi lại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Riêng với Mỹ, một số chuyên gia cho rằng nước này sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi cho tàu hải quân hoạt động ở biển Đông ngay cả khi Trung Quốc tránh những động thái gây tổn thất thật sự. Ông Alan Chong, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), cảnh báo đụng độ nhỏ khi tàu hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch như thế và Trung Quốc có thể cho bắn một tên lửa mang tính biểu tượng.
Đáng lo hơn, trong bối cảnh Mỹ đang xem Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", 2 nước có thể đối mặt trực diện về chính trị và quân sự tại biển Đông và những điểm nóng khác ở khu vực, mở ra một giai đoạn mới nguy hiểm hơn trong quan hệ song phương.
Những viễn cảnh như thế chắc chắn nằm trong suy tính của hải quân các nước Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ khi họ tham gia cuộc tập trận chung MALABAR ngoài khơi đảo Guam ở Thái Bình Dương từ ngày 7 đến 15-6. Ba tàu hải quân Ấn Độ đã rời Singapore hôm 10-5 để lên đường tham gia cuộc tập trận này. Một tàu trong số này sau đó tham gia tiếp cuộc tập trận đa phương Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ tổ chức tại vùng biển quanh Hawaii.
Còn tại Philippines, đã xuất hiện những lời kêu gọi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte xem xét lại chính sách đối ngoại. Ông Dindo Manhit, Chủ tịch Viện Stratbase Albert del Rosario Institute (ADRi), cho rằng hành động triển khai tên lửa của Bắc Kinh là "hồi chuông cảnh tỉnh". Theo ông, đã đến lúc Manila tìm kiếm những phương thức khác để đối phó tình hình biển Đông ngày một khó lường. Một gợi ý có thể đến từ hoạt động tuần tra hàng hải chung giữa Philippines và Nhật Bản ở gần biển Đông vào đầu tuần này.
Nỗi lo của Úc
Chính phủ Úc đang đẩy mạnh chương trình viện trợ nước ngoài trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Theo trang Bloomberg, Canberra đã cam kết chi hơn 1,3 tỉ AUD cho các dự án tại khu vực, trong đó có tuyến cáp viễn thông ngầm dẫn đến Papua New Guinea và quần đảo Solomon. Con số này tăng 200 triệu AUD so với năm 2017 và là khoản cam kết viện trợ lớn nhất cho khu vực này từ trước đến giờ.
Nỗi lo của Úc và sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại Thái Bình Dương đang đe dọa phá vỡ thế cân bằng chiến lược tại đây. Viện Lowy (Úc) ước tính Bắc Kinh viện trợ 1,78 tỉ USD - trong đó có các khoản cho vay ưu đãi - cho các nước Thái Bình Dương trong giai đoạn 2006-2016. Tháng trước, đã xuất hiện thông tin Trung Quốc muốn thiết lập căn cứ quân sự thường trực ở Vanuatu nhưng bị Bắc Kinh phủ nhận. Là đồng minh của Mỹ, Úc còn lo ngại chuyện Trung Quốc đang tăng cường quân sự hóa biển Đông.
Trong nước, chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull đang bận rộn đối phó cáo buộc Trung Quốc bí mật can dự vào lĩnh vực truyền thông, các trường đại học và thậm chí là tác động đến giới nghị sĩ. Quốc hội nước này dự kiến trong vài tuần tới bỏ phiếu về dự luật nhằm ngăn nước ngoài can thiệp vào chính trường và kinh doanh trong nước. Cuộc bỏ phiếu là phép thử đáng kể đối với các nhà lập pháp Úc bởi người ta sẽ biết được liệu họ có chịu từ bỏ các cơ hội kinh doanh với Trung Quốc để ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ và được chống đỡ bởi liên minh quân sự với Mỹ hay không. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn thu lớn nhất của ngành du lịch Úc.
LỤC SAN
Bình luận (0)