Giống như mọi cuộc xung đột kéo dài, cuộc nội chiến ở Syria đã tạo ra một số cuộc chiến khác trong bối cảnh nhiều lực lượng nước ngoài bài binh bố trận trên những vùng lãnh thổ rộng lớn còn nằm ngoài quyền kiểm soát của Damascus.
Cường quốc trực tiếp ra tay?
Cuộc chiến ban đầu giữa chính phủ Syria và những người muốn lật đổ chế độ lúc này đã trở thành quá khứ. Tổng thống Bashar al-Assad dù bị giảm sút nhiều về vị thế nhưng hầu như không gặp thách thức gì đáng kể từ phe nổi dậy - một khái niệm trở nên lỗi thời trong tình hình Syria hiện nay. Vấn đề đáng quan tâm hơn là nguy cơ xảy ra xung đột giữa các cường quốc đang can dự trực tiếp vào cuộc chiến theo những cách khác nhau.
Trong số các thế lực bên ngoài, Nga và Iran đã đầu tư nhiều nhất - về tài chính, chính trị, quân sự - vào Syria. Do đó, theo đài BBC, những nước này hiện có nhiều ảnh hưởng nhất đối với Damascus nhưng cũng chịu nhiều thiệt hại nhất trong nỗ lực cứu chiếc ghế của ông Assad. Mỹ ít phiêu lưu hơn ở Syria, chưa bao giờ hỗ trợ hết sức cho phe nổi dậy và không có mục tiêu rõ ràng, từ đó làm giảm khả năng kiểm soát tình hình và vai trò của Washington tại điểm nóng này.
Thổ Nhĩ Kỳ là một tên tuổi lớn khác gia nhập "cuộc chơi", thoạt đầu ủng hộ phe nổi dậy nhưng gần đây quyết tâm ngăn chặn người Kurd thành lập nhà nước trên biên giới của mình bằng cách đưa quân vào miền Bắc Syria. Về phía Nam, Israel lâu nay vẫn đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria, chủ yếu chỉ tấn công các căn cứ bị nghi của Iran và những vũ khí bị cáo buộc cung cấp cho phong trào Hezbollah (ở Lebanon) được Tehran hậu thuẫn.
Cuộc nội chiến kéo dài gần 7 năm qua chứng kiến lợi ích của các bên nói trên thường mâu thuẫn nhau, khiến mọi nỗ lực kết thúc chiến tranh đều chuốc lấy thất bại. Ngay cả khi có sự va chạm về lợi ích, các thế lực bên ngoài này hành động thông qua lực lượng ủy nhiệm trên mặt đất. Khi căng thẳng leo thang, tất cả các nước liên quan đều chịu lùi một bước để tránh tình hình thêm tồi tệ, khiến bên gánh chịu hậu quả vẫn là người Syria như trước giờ.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên giới Syria để tấn công người Kurd ở thị trấn Afrin Ảnh: REUTERS
Nỗi lo xung đột Iran - Israel
Sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ít nhiều giúp mang lại sự đình chiến giữa các nước nói trên bởi mục tiêu chung của họ là tiêu diệt nhóm này. Sau khi IS bị đánh bại, tình hình lại phức tạp trở lại. Báo The Straits Times nhận định: Cuộc xung đột ở Syria không hề giảm bớt mà đã đạt đến đỉnh cao mới, trở nên hỗn loạn hơn nhiều. Trong những ngày gần đây, phe nổi dậy Syria đã bắn hạ máy bay Nga, các tay súng người Kurd bắn rơi trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng thân chính phủ tấn công lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.
Chưa hết, đã xuất hiện thông tin Mỹ tiêu diệt nhiều tay súng thân Assad và lính đánh thuê Nga đang tiến đến một căn cứ của người Kurd và Mỹ, quân đội Syria bắn rơi chiến đấu cơ F-16 của Israel, còn Israel bắn hạ máy bay không người lái Iran và thực hiện những cuộc không kích lớn nhất trong nhiều thập kỷ xuống lãnh thổ Syria. Đó là chưa kể cuộc chiến chống người Kurd có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với Mỹ.
Ngay cả Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi trên BBC cũng thừa nhận tình hình ở Syria hiện "rất phức tạp" giữa lúc dư luận ngày càng quan ngại có thể nổ ra một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Trước cảnh báo của Israel và Mỹ về sự hiện diện của Iran ở Syria, ông Araghchi nhấn mạnh nước này có mặt ở đó để chống khủng bố theo lời mời của chính phủ nước chủ nhà.
Ngoài ra, liên minh giữa Tehran, Damascus và Hezbollah nhằm "chống lại các chính sách bá chủ" của Israel. Báo The Washington Times lo ngại sự mở rộng ảnh hưởng của Iran tại Syria làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp với Israel, từ đó nhanh chóng lôi kéo các bên tham chiến khác.
Bế tắc tại Liên Hiệp Quốc
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang đối mặt sức ép phải thông qua nghị quyết áp đặt lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày để cho phép hàng cứu trợ nhân đạo đến được vùng ngoại ô Đông Ghouta của thủ đô Damascus - Syria. Hôm 22-2, một nghị quyết như thế không thể được đưa ra bỏ phiếu bởi sự phản đối mạnh từ Nga. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria nói hơn 400 người, trong đó có gần 100 trẻ em, thiệt mạng trong 6 ngày liên tiếp kể từ khi khu vực nói trên bị quân đội chính phủ tấn công. Theo AP, các vụ không kích mới nhất hôm 23-2 khiến 5 người thiệt mạng.
Reuters đưa tin cuộc bỏ phiếu dự kiến tiến hành trong ngày 23-2 (giờ New York) dù chưa rõ liệu Moscow có chịu đổi ý hay không. Nga đã đề xuất chỉnh sửa nội dung dự thảo nghị quyết do Thụy Điển và Kuwait soạn thảo với lý do nó không thực tế, cũng như cho rằng không thể áp đặt lệnh ngừng bắn nếu thiếu sự tham vấn với các bên liên quan.
Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt lập tức các hoạt động chiến tranh ở Đông Ghouta, nơi trú ngụ của khoảng 400.000 người và là một trong vài khu vực rộng lớn vẫn còn nằm trong tay phe nổi dậy. Trở ngại chính hiện nay là tranh cãi giữa Nga - Syria và bộ ba Anh, Pháp, Mỹ về những gì đang xảy ra ở đó và vẫn chưa rõ cần làm thêm gì để phá vỡ thế bế tắc này.
Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari đã bác bỏ cáo buộc Damascus ném bom bừa bãi dân thường trong lúc chỉ trích phương Tây phớt lờ những vụ tấn công bằng rốc két của phiến quân khiến hàng chục người thiệt mạng ở Damascus. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily A. Nebenzya gọi những báo cáo về thương vong của dân thường là không đúng sự thật và có mục đích tuyên truyền. Moscow cho đến giờ vẫn phủ nhận sự can dự trực tiếp vào chiến dịch quân sự nhằm vào Đông Gouta từ ngày 18-2 nói trên nhưng tờ Al-Watan thân Damascus khẳng định máy bay chiến đấu và cố vấn Nga có tham gia trận chiến này.
Bình luận (0)