Động thái này được cho là có thể trì hoãn phán quyết của thẩm phán thuộc Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA), dự kiến đưa ra trong vòng 2 tháng nữa. Không chỉ vậy mà còn có khả năng làm phức tạp thêm tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng trên tuyến đường thương mại quan trọng này, theo hãng tin Reuters ngày 10-5.
Tháng trước, các thẩm phán chấp nhận các bằng chứng bằng văn bản từ Hiệp hội về Luật Quốc tế của Đài Loan, ngay cả khi Đài Loan không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, cũng không tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Các nguồn tin pháp lý rành rẽ vụ kiện của Philippines cho biết bên cạnh xem xét vài trăm trang chứng cứ từ Đài Loan, thẩm phán Tòa án Trọng tài cũng đã tìm thêm thông tin từ phía Philippines và Trung Quốc.
Hồi tháng 3, Đài Loan đưa ra Tuyên bố Thân hữu của bên không liên quan trực tiếp, trình bày quan điểm về chủ quyền của Đài Loan tại đảo Itu Aba (Việt Nam gọi là đảo Ba Bình). Các nhà chức trách Đài Loan tức giận trước bằng chứng trước đây của Philippiness cho rằng Itu Aba là “đá”, con người không thể cư trú nên không thể xém xét trên danh nghĩa đảo hay vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Tuy nhiên, hiện cán bộ tòa án vẫn chưa đáp các câu hỏi bằng văn bản của hãng Reuters về thông tin trên. Tương tự, Bộ Ngoại giao Philippines cũng không đưa ra bình luận. Động thái của Đài Loan diễn ra giữa lúc căng thẳng trên biển Đông leo thang, Bắc Kinh và Washington cáo buộc lẫn nhau quân sự hóa khu vực này.
Nhận xét về hành động PCA xem xét quan điểm của phía Đài Bắc, chuyên gia Ian Storey, đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói: “Điều đó cho thấy rằng các thẩm phán đang phấn đấu để tìm kiếm công bằng. Họ đã xem xét các quan điểm của các bên liên quan, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc năm lần bảy lượt từ chối tham gia và Đài Loan không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc”.
Bình luận (0)