Hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại tại TP Thượng Hải - Trung Quốc trong 2 ngày 30 và 31-7 kể từ khi tiến trình này bị đình trệ hồi tháng 5. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer sẽ đến Trung Quốc để tiếp tục bàn về các biện pháp cải thiện quan hệ thương mại song phương. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán trong cuộc gặp ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Đáng chú ý, vòng đàm phán mới nhất này dự kiến diễn ra tại TP Thượng Hải, thay vì thủ đô Bắc Kinh như các cuộc gặp trước đó. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc quyết tâm cải thiện tình hình bởi Thượng Hải là nơi chứng kiến "Thông cáo chung Thượng Hải 1972" - một cột mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc gặp ở thủ đô Washington - Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông xem lời mời đến Thượng Hải đàm phán là "một thông tin tốt lành cho thấy 2 phía sẽ đạt được tiến triển". Dù vậy, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng khẳng định việc thay đổi địa điểm đàm phán "không có gì bất thường". "Thượng Hải có đầy đủ điều kiện để tổ chức các cuộc tham vấn" - ông Gao Feng chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng hai bên được kỳ vọng sẽ thực thi những nội dung mà hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã nhất trí trong cuộc gặp nói trên.
Cùng với địa điểm họp mới, sự hiện diện của Bộ trưởng Thương mại Trương Quân bên cạnh Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong phái đoàn nước chủ nhà cũng có thể tác động đến kết quả cuộc họp do ông Trương được xem là một nhân vật có lập trường cứng rắn. Theo nhà nghiên cứu Ni Yueju, từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vòng đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào những vấn đề vẫn chưa được giải quyết, trong đó có quyền sở hữu tài sản trí tuệ, cân bằng thương mại, biện pháp thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, theo bà Ni, hai bên có thể thảo luận về chuyện Trung Quốc nối lại việc mua nông sản Mỹ.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo Mỹ - Trung khó có thể nhanh chóng phá vỡ thế bế tắc trong vòng đàm phán mới ngay cả khi hai phía muốn đạt được một thỏa thuận. Trong một bài bình luận mới đây, tờ The Global Times khẳng định quá trình đàm phán sẽ còn diễn ra trong thời gian dài, đồng thời cảnh báo hai phía có thể không đạt được thỏa thuận cuối cùng nếu Washington tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh.
Trong khi đó, ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mnuchin dù lạc quan nhưng cũng thừa nhận "vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết" và nhận định hai phía sẽ còn phải thảo luận thêm ở Mỹ. Ông Larry Kudlow - Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ - cũng giảm nhẹ sự kỳ vọng dành cho cuộc đàm phán sắp tới khi khẳng định với kênh CNBC hôm 26-7 rằng ông "không mong đợi bất cứ thỏa thuận đáng chú ý nào".
Tình hình càng thêm phức tạp khi Tổng thống Donald Trump cuối tuần rồi cho rằng Trung Quốc có thể "câu giờ" đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 để hy vọng có thể đạt được thỏa thuận thương mại với một tổng thống đến từ Đảng Dân chủ. "Tôi cho rằng Trung Quốc có lẽ sẽ nói: "Cứ chờ đã". Có thể ông Donald Trump sẽ thua và chúng ta có thể ký được thỏa thuận với người khác" - ông chủ Nhà Trắng khẳng định, đồng thời tự tin nói rằng một khi ông tái thắng cử, Bắc Kinh sẽ gần như lập tức ký các thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump thời gian qua hành động cứng rắn với Trung Quốc khi khơi mào cuộc chiến thuế quan cũng như đưa Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei vào danh sách đen. Tổng thống Donald Trump cũng chọc giận Trung Quốc khi tuyên bố tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đang buộc họ phải đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Bình luận (0)