Sức ép lên cuộc đàm phán về vấn đề nâng trần nợ công ở Mỹ gia tăng sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm 26-5 khẳng định nước này sẽ hết tiền thanh toán các hóa đơn đúng hạn vào ngày 5-6.
Trong lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen cho biết theo ước tính mới nhất, Bộ Tài chính sẽ không có đủ nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ nếu quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước hạn chót nói trên.
Thời điểm mới này chi tiết hơn so với thông tin "Mỹ có nguy cơ vỡ nợ sớm nhất là ngày 1-6" được bà Yellen đưa ra trước đó. Cụ thể hơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết chính phủ liên bang cần phải thanh toán hơn 130 tỉ USD trong 2 ngày đầu tháng 6. Khoản chi này sẽ khiến Bộ Tài chính chỉ còn "nguồn lực cực kỳ thấp" và không đủ đáp ứng mọi nghĩa vụ.
Trong khi đó, theo phân tích của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng (trụ sở ở Mỹ), Bộ Tài chính nước này sẽ bị thâm hụt hơn 100 tỉ USD trong giai đoạn từ ngày 1 đến 15-6.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận nâng trần nợ công khi trả lời giới truyền thông tại Nhà Trắng hôm 26-5 Ảnh: REUTERS
Theo báo The New York Times, nội dung lá thư nói trên nêu bật tình hình tài chính khó khăn mà Bộ Tài chính Mỹ đang đối mặt, cũng như nguy cơ nền kinh tế hàng đầu thế giới tiến gần đến vỡ nợ.
Để ngăn kịch bản xấu này xảy ra, Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa đang chạy đua tìm kiếm thỏa thuận nâng trần nợ công (hiện ở mức 31.400 tỉ USD). Trước mắt, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26-5 bày tỏ hy vọng có thể sớm đạt được thỏa thuận và nhà lãnh đạo này có lý do để tiếp tục lạc quan.
Theo Reuters, các nhà thương thảo của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cùng ngày dường như tiến gần một thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên. Cụ thể, thỏa thuận tiềm năng sẽ nâng trần nợ công trong 2 năm tới.
Ngoài ra, theo AP, chi tiêu liên bang cho năm 2024 sẽ giảm. Đến năm 2025, mức chi tiêu này sẽ tăng không quá 1%. Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng được phép tăng 3% trong năm tới, phù hợp với yêu cầu về ngân sách của ông Biden.
Dù vậy, hai bên vẫn còn một số khác biệt lớn. Chẳng hạn, Đảng Cộng hòa muốn tăng cường yêu cầu công việc đối với người nhận tem phiếu lương thực và các chương trình hỗ trợ liên bang khác. Trong khi đó, Đảng Dân chủ lâu nay vẫn bác bỏ yêu cầu này.
Thỏa thuận đạt được sẽ cần qua được ải Hạ viện Mỹ (do Đảng Cộng hòa kiểm soát) và Thượng viện (nơi Đảng Dân chủ chiếm đa số) trước khi Tổng thống Biden ký ban hành thành luật. Tiến trình này có thể mất hơn 1 tuần, theo Reuters.
Nỗi lo lúc này là liệu tiến trình đàm phán có kịp thời dẫn đến kết quả đủ để ngăn kinh tế Mỹ và thế giới rơi vào hỗn loạn hay không. Khi cột mốc ngày 1-6 được nói đến, đã xuất hiện nhận định ngày 26-5 (giờ địa phương) có thể phải là ngày chót để đạt thỏa thuận.
Giờ đây, hạn chót mới 5-6 giúp các nhà đàm phán có thêm thời gian để tìm tiếng nói chung. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại diễn biến này có thể giảm bớt tính cấp thiết của việc đạt thỏa thuận càng sớm càng tốt.
Một báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế hôm 26-5 thúc giục Quốc hội Mỹ nâng hoặc đình chỉ trần nợ công, đồng thời cảnh báo về những rủi ro có tính hệ thống đối với kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Theo đài CNBC, trong trường hợp Mỹ vỡ nợ, dù chỉ trong vài ngày, điều này có thể khiến lãi suất tăng và làm giảm niềm tin vào đồng USD.
Bình luận (0)