Các nhà đàm phán của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đang đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận nâng trần nợ công (hiện ở mức 31.400 tỉ USD) để giúp Mỹ tránh vỡ nợ. Sau cuộc họp kéo dài 4 giờ tại Nhà Trắng hôm 24-5 (giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết đàm phán đang tiến triển và sẽ tiếp tục.
Ông cũng dự đoán hai bên sẽ đạt được thỏa thuận dù còn một số vấn đề chưa được giải quyết. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng lạc quan về khả năng tìm được tiếng nói chung nếu đàm phán tiếp diễn một cách thiện chí.
Dù vậy, Nhà Trắng và các nghị sĩ Đảng Dân chủ không quên cáo buộc Đảng Cộng hòa bắt nền kinh tế làm "con tin" để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Theo họ, Đảng Cộng hòa cần nhượng bộ nhiều hơn vì họ sẽ cần lá phiếu của Đảng Dân chủ để thông qua bất kỳ thỏa thuận nào.
Đáp lại, ông McCarthy nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng không được tăng thuế và phải cắt giảm một số chi tiêu của chính phủ Mỹ (khoảng 8% cho tài khóa 2024, bắt đầu vào tháng 10-2023), thay vì giữ nguyên như mức trong năm nay theo đòi hỏi của Đảng Dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời giới truyền thông tại thủ đô Washington hôm 24-5. Ảnh: REUTERS
Reuters nhận định thời gian dành cho đàm phán không còn nhiều. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1-6 trong khi việc thông qua dự luật liên quan tại quốc hội đang chia rẽ có thể tốn thời gian.
Nhà Trắng ước tính tình trạng vỡ nợ kéo dài đe dọa khiến 8,3 triệu việc làm bị mất, đồng thời đẩy kinh tế vào suy thoái, từ đó ảnh hưởng xấu đến cả thế giới. Trong khi đó, Công ty Phân tích Moody’s Analytics (Mỹ) ước tính rằng kịch bản vỡ nợ không quá một tuần cũng dẫn đến 1,5 triệu việc làm bị mất.
Riêng Cơ quan Xếp hạng tín dụng Fitch Ratings (Mỹ) hôm 24-5 cảnh báo việc đàm phán bế tắc về trần nợ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Fitch đã đưa mức xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ vào diện "theo dõi hạ bậc", cho thấy nỗi lo về cuộc đàm phán trần nợ hiện tại và khả năng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Cơ quan này cũng dự báo Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục chi nhiều hơn thu, dẫn tới thâm hụt ngân sách tương đương 6,5% GDP trong năm 2023 và 6,9% GDP trong năm 2024.
Một cơ quan xếp hạng tín dụng khác là Moody’s (Mỹ) hiện cũng dành mức cao nhất "AAA" cho tín dụng Mỹ với kỳ vọng Washington sẽ tiếp tục trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, những tuyên bố công khai từ các nghị sĩ trong quá trình thương thảo về trần nợ công có thể buộc cơ quan này thay đổi đánh giá.
Trong khi đó, Cơ quan Xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (Mỹ) vẫn duy trì xếp hạng tín dụng Mỹ ở mức AA+, tức thấp hơn AAA 1 bậc. Trước đó, Standard & Poor’s đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ khi nước này tiến gần bờ vực vỡ nợ năm 2011, gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Ông George Mateyo, Giám đốc đầu tư tại Ngân hàng Key Private Bank (Mỹ), nhận định rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu kịch bản năm 2011 lặp lại, đồng thời cảnh báo bế tắc hiện tại có thể dẫn đến sự mất niềm tin mạnh mẽ vào hệ thống tài chính Mỹ.
Bình luận (0)