Cựu binh Mỹ Steve Witter, trong một lá thư gửi chính quyền bang Washington năm 2004, viết: “Chúng tôi có thông lệ đổ chất thải tồn kho xuống lòng lề đường, xuống sông, trong đó có sông Imjin, hoặc các thung lũng hẹp. Chúng tôi chưa hề nghe ai bảo rằng đó là chất thải độc hại cấm đổ xuống sông ngòi, đường sá hay mấy thung lũng hẹp”.
Witter phục vụ trong đơn vị tẩy uế ở trại Howze gần vùng ven thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, từ năm 1968 đến 1969. Paju nằm sát khu phi quân sự Bàn Môn Điếm là thành phố trại lính bởi có nhiều trại lính Hàn và Mỹ.
Ông Witter cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đổ chất diệt cỏ màu da cam trên vùng đất nằm dọc sông Imjin. Công ty chúng tôi có 4 xe bồn, mỗi xe chứa từ 400 - 450 ga-lông chất diệt cỏ màu da cam pha với dầu diesel”.Theo ông Steve Witter, chất thải rất độc hại, làm ống nước cao su và lốp xe khi tiếp xúc với chất diệt cỏ mềm nhũn như kẹo cao su.
Rất nhiều người như ông Witter làm nhiệm vụ phun chất diệt cỏ bị ngứa da và ngứa mắt “giống như bị phỏng”. Ông Witter mắc bệnh tiểu đường và nhiều chứng bệnh khác năm 1990.
Theo tài liệu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA), nhiều quân nhân khác phục vụ ở Triều Tiên cũng xác nhận rằng họ có biết chuyện đổ chất diệt cỏ màu da cam. Quân nhân về hưu Ralph White tường trình có biết việc “phun chất da cam và chôn một lượng lớn chất thải xuống đất hoặc đổ xuống sông, suối địa phương”.
Dong Hwan-kim, nữ quân nhân dự bị Hàn Quốc, sinh ra và lớn lên ở Bucheon, một thành phố vệ tinh cách thủ đô Seoul 20 km. Tại đây có trại lính Mỹ Mercer, nơi quân đội Mỹ từng chôn hóa chất độc hại, trong đó có dioxin, thành phần chính của thuốc diệt cỏ da cam.
Sau khi nghe tin Mỹ từng lén lút chôn giấu chất thải độc hại trong trại lính Mỹ gần nhà, chị Dong bức xúc: “Là cựu quân nhân Hàn Quốc, xưa nay tôi cho rằng sự có mặt của quân đội Mỹ ở đất nước tôi là cần thiết. Thế nhưng hiện nay, tôi có cảm giác bị phản bội. Tôi tự hỏi có nên tiếp tục tin tưởng vào đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc hay không?”.
Mỹ hiện có 30.000 quân thuộc các binh chủng hải, lục và không quân – gọi chung là Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK) - đồn trú tại Hàn Quốc từ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Bộ binh (Quân đoàn 8) là lực lượng nòng cốt của USFK với quân số 19.755 người.
Sau khi một đài truyền hình ở Phoenix, thủ phủ bang Arizona, tiết lộ thông tin quân đội Mỹ từng lén lút chôn chất độc da cam trong các doanh trại Mỹ được một tuần thì ngày 23-5, trung tướng John D. Johnson, Tư lệnh Quân đoàn 8, lên tiếng trên đài phát thanh MBC thừa nhận có chôn hóa chất độc hại ở một số trại binh của Mỹ ở Hàn Quốc nhưng không thể khẳng định có dioxin hay không. Ông cũng nói nếu có thì số lượng không đến mấy trăm thùng như báo chí nói.
Tướng Johnson cho biết thêm: “Kể từ khi nhận được thông tin đó, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ các tài liệu liên quan. Chúng tôi phát hiện rằng theo một nghiên cứu năm 1992 của lực lượng công binh, tất cả lượng hóa chất đó, bao gồm cả đất cát là 60 tấn, đã được đưa ra khỏi trại năm 1979 và năm 1980”. Tuy nhiên, ông thú thật chưa nghe ai báo cáo nó vẫn còn ở Hàn Quốc hay ở nơi nào khác.
Trong một cố gắng giảm bớt tai tiếng khác, tờ Stars and Stripes, tiếng nói của quân đội Mỹ, ngày 26-5 đưa tin trung sĩ John Sipkens, một chuyên viên về y tế dự phòng Mỹ, từng giám sát cuộc đào bới chất thải chôn trong trại Carroll năm 1979, nói không có bằng chứng nào cho thấy trong đống chất thải đó có chất độc da cam.
Trong một cuộc tiếp xúc với “một người làm việc cho sĩ quan cấp tướng ở Hàn Quốc” hồi đầu tuần rồi - tờ Stars and Stripes không nói rõ là ai - cựu binh Sipkens cho biết có khoảng 10-15 người tham gia cuộc bốc dỡ chất thải kéo dài gần 9 tháng năm 1979.
Bình luận (0)