Ngay trong ngày đầu tiên của năm học mới, các sinh viên Nga đã học được bài học quan trọng từ chính vị tổng thống của mình.
Cơ hội và mối đe dọa
Phát biểu trước các sinh viên tại TP Yaroslavl hôm 1-9, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng tương lai thuộc về trí tuệ nhân tạo (AI) và quốc gia nào đi đầu trong lĩnh vực này sẽ thống trị thế giới. "AI là tương lai không chỉ của Nga mà còn của cả nhân loại. Công nghệ này mang lại nhiều cơ hội lớn nhưng cũng không ít mối đe dọa khó đoán định" - ông Putin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin bày tỏ quan điểm không muốn thấy có sự độc quyền trong lĩnh vực này, cũng như khẳng định nếu dẫn đầu trong việc phát triển AI, Nga sẵn sàng chia sẻ kiến thức có được với các nước khác. Ông Putin cũng dự báo trong tương lai, chiến tranh sẽ diễn ra với sự đối đầu giữa máy bay không người lái (drone) được điều khiển bởi AI.
Không muốn tụt lại phía sau trong cuộc đua nói trên, theo đài CNN, các nhà khoa học Nga đang phát triển loại máy bay, phương tiện đi lại không người lái phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự. Ngoài ra, quân đội Nga đang chế tạo thế hệ vũ khí tự động - robot, drone, tên lửa hành trình - có khả năng tự chọn mục tiêu và đưa ra quyết định. Một quỹ đầu tư mạo hiểm Nga có số vốn 100 triệu USD đã ra đời gần đây để chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI khắp thế giới.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ ở Afghanistan Ảnh: REUTERS
Không chịu thua kém, Lầu Năm Góc cũng đang nghiêm túc xem xét việc dựa vào AI để phát triển những phương thức, vũ khí mới để cải thiện khả năng tiêu diệt kẻ thù lẫn năng lực phòng thủ. Trong báo cáo gần đây, đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh AI và hệ thống robot tự động sẽ là một phần chủ chốt trong chiến lược quốc phòng của đất nước. Đơn vị này dự báo chiến tranh có sự tham gia của AI là điều khó tránh và Lầu Năm Góc cần đầu tư vào đây nếu không muốn bị Thung lũng Silicon và tệ hơn là các đối thủ tiềm tàng ở nước ngoài qua mặt.
Cạnh tranh Mỹ - Trung - Ấn
Ông Malcolm Frank, Giám đốc chiến lược của Công ty Phát triển phần mềm Cognizant (Mỹ), xếp Mỹ vào tốp 3 nước đứng đầu cuộc đua về AI, một phần nhờ hàng loạt đại gia công nghệ như Facebook, Amazon, Google… đang đầu tư hàng tỉ USD để khai thác sức mạnh của máy tính nhằm thay thế một số công việc của con người. Một cái tên khác được ông Frank đánh giá cao là Trung Quốc, quốc gia vừa đặt mục tiêu đứng đầu lĩnh vực AI vào năm 2030.
Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, như Tencent và Baidu, cạnh tranh gay gắt với Thung lũng Silicon trong việc phát triển các ứng dụng mới cho AI. Quốc gia còn lại trong tốp 3 là Ấn Độ, nơi chứng kiến sự chuyển hướng sang AI trong ngành công nghiệp thuê ngoài đang tuyển dụng gần 4 triệu người.
Với những lợi ích và nguy cơ tiềm tàng, không gì lạ khi tranh cãi về AI ngày một nhiều, gần đây nhất là cuộc "đốp chát" công khai của 2 tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk và Mark Zuckerberg. Khi được hỏi về những nỗi lo của ông Musk đối với AI, ông Zuckerberg, nhà đồng sáng lập mạng xã hội Facebook, cho rằng thúc đẩy "những kịch bản ngày tận thế" về công nghệ này là hành động vô trách nhiệm. Đáp lại, ông Musk chỉ trích Zuckerberg hiểu biết "hạn chế" về mối đe dọa nghiêm trọng của AI đối với sự tồn tại của văn minh nhân loại.
Ông Musk, nhà sáng lập Công ty Công nghệ thám hiểm không gian SpaceX, thuộc nhóm 116 chuyên gia từ 26 quốc gia vừa ký tên vào lá thư hối thúc Liên Hiệp Quốc cấm sử dụng vũ khí sát thương tự động. Một nỗi lo khác được nói đến nhiều là những cỗ máy ngày một thông minh sẽ "cướp" việc làm của con người. Đề cập những vấn đề này, ông Frank cho rằng các chính phủ, doanh nghiệp cần tập trung tạo ra loại AI an toàn và mang lại lợi ích cho con người, đồng thời bày tỏ niềm tin AI sẽ tạo ra nhiều loại công việc mới trong tương lai.
Bình luận (0)