Trên thực tế, năm 2014 đánh dấu sự xoay trục chính thức của Mỹ sang châu Á sau hơn 1 thập kỷ bận bịu với các cuộc chiến ở Trung Đông. Không bên nào chịu thừa nhận song một Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự, đe dọa các đồng minh của Mỹ tại khu vực chắc chắn là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ.
Cuộc tập trận đa quốc gia Cobra Gold (Hổ mang vàng) ở Thái Lan, diễn ra từ ngày 11 đến 23-2, là bằng chứng mới nhất cho sự chuyển hướng trên. Nội dung tập trận đáng chú ý là chiến dịch chiếm giữ và bảo vệ một sân bay ở Lop Buri, cách Bangkok khoảng 144 km về phía Bắc, trong lúc xảy ra khủng hoảng nhân đạo.
Tham gia nội dung này có 400 lính nhảy dù Mỹ đến từ Lữ đoàn chiến đấu số 4 thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh (gọi tắt là đơn vị 4-25). Đây là số binh sĩ Mỹ đầu tiên được điều động đến châu Á kể từ khi Mỹ bắt đầu xoay trục.
Máy bay vận tải Osprey của Mỹ tham gia tập trận Cobra Gold 2014
Ảnh: EXERCISE COBRA GOLD
Các tư lệnh quân đội và nhà phân tích cho đài Fox News biết mục tiêu chiến lược của Cobra Gold là chứng tỏ cho Trung Quốc thấy Mỹ có thể tác chiến nhanh chóng và hiệu quả ra sao để hỗ trợ các đồng minh châu Á. Đại tá Matt McFarlane, chỉ huy đơn vị 4-25, tuyên bố: “Chúng tôi luôn sẵn sàng huy động một lực lượng lớn binh sĩ bất cứ lúc nào và đến bất kỳ đâu ở châu Á - Thái Bình Dương”.
Sự hiện diện của quân Mỹ ở vùng đất mà Trung Quốc coi là sân sau sẽ khiến Bắc Kinh thêm “mất ăn mất ngủ”. Càng đáng lưu tâm khi năm nay là lần đầu Trung Quốc được mời tham dự Cobra Gold sau nhiều năm làm quan sát viên.
Không ít người tin rằng lời mời này che đậy một vấn đề gai góc: cuộc tập trận phần nào nhằm vào Bắc Kinh, nước có chi tiêu quân sự tăng 10% mỗi năm. Có lẽ vì vậy mà Trung Quốc chỉ tham gia lấy lệ với... 17 binh sĩ, quá ít ỏi so với 9.000 lính Mỹ.
Mối quan hệ bằng mặt không bằng lòng giữa Washington và Bắc Kinh càng bị thử thách bởi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma hôm 21-2.
Sau cuộc gặp riêng tư kéo dài 1 giờ, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết Tổng thống Obama “ủng hộ mạnh mẽ quá trình bảo tồn truyền thống tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ độc đáo của Tây Tạng cũng như sự bảo vệ nhân quyền cho người Tây Tạng ở Trung Quốc”. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc nối lại cuộc đàm phán bị đổ vỡ năm 2010 với Đạt Lai Lạt Ma.
Ngay hôm sau, người phát ngôn Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thẳng thừng: “Tây Tạng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Mỹ không có quyền can thiệp”.
Bình luận (0)