Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (CBRF) nâng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17%, giá trị đồng rúp vẫn rơi tự do hôm 16-12. Trước đó, Thống đốc CBRF Elvira Nabiullina thừa nhận động thái trên có ảnh hưởng gián tiếp lên thị trường tiền tệ.
Đòi điều tra CBRF
Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện) ngày 17-12 đề nghị điều tra hành động của CBRF với cáo buộc làm suy sụp kinh tế và gây hoảng loạn.
Theo hãng tin RIA Novosti, các thượng nghị sĩ cho rằng nhiệm vụ cơ bản của CBRF là bảo vệ sự ổn định về tài chính trong nước nhưng họ đang gây phản ứng ngược. Bộ Tài chính Nga xác nhận đồng rúp đang bị định giá cực kỳ thấp, đồng thời thông báo bắt đầu bán gần 7 tỉ USD dự trữ ra thị trường.
Nước Nga đã trở thành trung tâm mua sắm quốc tế sau khi đồng rúp giảm giá sâu so với các loại tiền tệ khác
Ảnh: LIVE JOURNAL
Trong khi đó, các chuyên gia có những nhận định khác nhau về quyết định của CBRF: Một số cho rằng đó là bước đi cần thiết nhưng chậm trễ trong khi những người khác đánh giá điều đó hoàn toàn vô ích. Tuy nhiên, tất cả đều nhất trí Nga chưa áp dụng đủ các biện pháp cần thiết trong tình hình hiện nay.
Giáo sư kinh tế Graciela Chichilnisky, Trường ĐH Columbia (Mỹ), cho rằng các biện pháp kiểm soát tiền tệ của Nga không chắc chắn trong khi đồng rúp bị giảm giá mạnh thời gian gần đây là do các yếu tố bên ngoài. Thêm vào đó, một chuyên gia (giấu tên) tại Ngân hàng Gazprombank thừa nhận đồng rúp mất giá kéo theo nền kinh tế sa sút là dấu hiệu cho thấy hệ thống kinh tế dựa vào dầu mỏ ở Nga đang suy sụp.
Đổ xô bán đồng rúp
Người dân Nga đang đổ xô đổi rúp lấy USD và euro. Hãng tin Interfax đưa tin một ngân hàng ở Khanty-Mansiysk - khu vực sản xuất khoảng 51% sản lượng dầu ở Nga - đã hết nhẵn USD và gần hết euro. Trang tin Business Insider nhận định: Người Nga đang cố bỏ vào túi họ càng nhiều USD càng tốt. Tình hình giống như chẳng còn ai tin vào ngân hàng nên mọi người cố rút hết tiền của họ ra.
Phản ứng của dân Nga càng tạo thêm áp lực lên đồng rúp, tạo ra vòng luẩn quẩn làm xói mòn niềm tin vào đồng nội tệ. Trang tin Sputnik News đưa tin doanh nhân Ivan Shervashidze đã bắn vào đầu tự tử tại khách sạn ở Moscow đêm 16-12 có thể do bị hoảng loạn vì đồng rúp mất giá. Ngoài ra, báo Vzglyad ghi nhận được hàng trăm vụ gian lận liên quan đến đổi tiền chỉ riêng ở khu vực Moscow trong mấy ngày qua.
Hơn nữa, do đồng rúp giảm giá sâu so với các loại tiền tệ khác nên Nga đã trở thành trung tâm mua sắm quốc tế trong mấy tuần qua. Công dân từ nhiều quốc gia như Armenia, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan… đổ xô đến mua sắm tại các cửa hàng ở Nga.
Theo hãng tin RBC, số tiền người Armenia chi cho việc mua hàng ở Nga trong tháng 11 đã tăng 123,64% so với cùng kỳ năm ngoái, còn người Trung Quốc tăng 85,73%, người Belarus - 78,31% và người Kazakhstan - 32,51%.
Washington sẽ tăng trừng phạt Moscow
Nhà Trắng hôm 16-12 cho biết Tổng thống Barack Obama vào cuối tuần này sẽ ký ban hành luật cho phép áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine.
Trước đó, quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nói trên với các lệnh trừng phạt mới đối với những công ty vũ khí và nhà đầu tư trong các dự án dầu mỏ công nghệ cao của Nga. Dự luật còn thúc đẩy hỗ trợ quân sự cả sát thương và phi sát thương cho chính phủ Ukraine.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ở thủ đô London - Anh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Mỹ và châu Âu sẵn sàng nới lỏng trừng phạt nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin có những bước đi tích cực để giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Ngoài vấn đề trừng phạt, quan hệ Nga - phương Tây còn căng thẳng trên mặt trận an ninh sau khi Moscow cáo buộc Mỹ và NATO gia tăng các chuyến bay do thám gần biên giới nước này.
Trước cáo buộc của Nga, một đại diện của Lầu Năm Góc thừa nhận sự gia tăng hiện diện quân sự ở dọc biên giới với Nga nhằm “bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực”. Không những thế, Bộ Quốc phòng Mỹ còn cam kết tiếp tục hỗ trợ an ninh cho các đồng minh NATO.
Xuân Mai
Bình luận (0)