Đóng góp vào sự gia tăng này là tỉ lệ sinh tương đối cao tại các nước đang phát triển. Theo báo cáo, dân số toàn cầu tăng thêm 83 triệu người mỗi năm và với tốc độ này, thế giới sẽ lần lượt có 8,6 tỉ người năm 2030, 9,8 tỉ người năm 2050 và 11,2 tỉ người năm 2100.
Sự tăng trưởng dân số tập trung chủ yếu ở những nước nghèo nhất thế giới, gây ra thách thức không nhỏ khi cộng đồng quốc tế nỗ lực đạt được những mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển bền vững 2030 nhằm xóa sổ tình trạng đói nghèo và bảo vệ hành tinh.
Đáng chú ý, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất hành tinh vào năm 2024. Ấn Độ hiện có 1,3 tỉ dân, thua Trung Quốc khoảng 100 triệu dân. Tuy nhiên, Nigeria mới là nước có tốc độ tăng dân nhanh nhất. Đến năm 2050, quốc gia châu Phi này sẽ qua mặt Mỹ để đứng thứ 3 thế giới về dân số. Khi đó, 7 trong số 20 nước đông dân nhất thế giới nằm tại châu Phi.
Ở chiều ngược lại, mọi quốc gia châu Âu đều đang chứng kiến tỉ lệ sinh thấp khiến dân số có nguy cơ bị sụt giảm nếu không có sự bù đắp từ làn sóng di cư quy mô lớn.
Ấn Độ được dự báo sẽ qua mặt Trung Quốc để trở thành quốc gia nhất thế giới vào năm 2024 Ảnh: UN.ORG
Kết quả nghiên cứu cũng nhận thấy hiện có nhiều nam giới hơn phụ nữ (cứ 100 phụ nữ thì có 102 nam giới), trong lúc trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 1/4 dân số thế giới. Chưa hết, số lượng người từ 60 tuổi trở lên được dự báo tăng từ 962 triệu người năm 2017 lên 2,1 tỉ người năm 2050 và 3,1 tỉ người vào năm 2100.
Một báo cáo khác của Liên Hiệp Quốc cũng nêu bật sức ép của sự gia tăng dân số thế giới. Vào năm 2030, 7/10 thành phố đông dân nhất thế giới nằm tại châu Á, bên cạnh 2 thành phố ở châu Phi và 1 ở châu Mỹ. Đứng đầu danh sách là Tokyo - Nhật Bản với 37,2 triệu người, giảm so với mức 38 triệu hiện nay. Ấn Độ có 2 thành phố trong tốp 5 là Delhi (thứ 2 với 36,1 triệu người), Mumbai (thứ 4 với 27,8 triệu người).
Hai cái tên còn lại đều là thành phố ở Trung Quốc: Thượng Hải (30,8 triệu người) và Bắc Kinh (27,7 triệu người). 5 vị trí đứng sau lần lượt là Dhaka - Bangladesh (27,4 triệu người), Karachi - Pakistan (24,8 triệu người), Cairo - Ai Cập (24,5 triệu người), Lagos - Nigeria (24,2 triệu người), Mexico City - Mexico (23,9 triệu người). Viện Các thành phố toàn cầu (Canada) dự báo TP Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo là thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 2075 nhưng đến năm 2100 sẽ bị qua mặt bởi Lagos với 88 triệu người sinh sống.
Bình luận (0)