Khi dịch bệnh do virus corona mới (có tên gọi chính thức là 2019-nCoV) thoát khỏi Trung Quốc, các chính phủ, công ty và cơ sở giáo dục trên toàn thế giới tính toán phản ứng phù hợp. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng làm như thế nào để thực hiện điều đó mà không kỳ thị toàn bộ dân số của quốc gia bùng phát dịch bệnh là một thách thức.
Với số người chết lên tới 170 và các ca xác nhận dương tính với virus corona là 7.771, nỗi lo lớn dần. Nhiều công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Các hãng hàng không tạm dừng chuyến bay tới Trung Quốc trong khi một số nước bắt đầu sơ tán cư dân khỏi tâm dịch ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Khi bệnh dịch bắt đầu lan ra nhiều nước, sự cảnh giác với người Trung Quốc bắt đầu gia tăng. Ảnh: BANGKOK POST
Tại Hàn Quốc, các thông báo được dán lên cửa sổ nhà hàng viết: "Cấm người Trung Quốc". Một sòng bạc Hàn Quốc thường tiếp khách nước ngoài cho biết họ không nhận khách từ Trung Quốc. Hơn một nửa triệu người Hàn Quốc ký đề nghị gửi lên chính phủ, kêu gọi cấm các du khách từ Trung Quốc.
Trong khi đó, một đài truyền hình có trụ sở ở Hồng Kông trình chiếu một đoạn video ghi lại ở một nhà hàng Nhật Bản tại TP Ito có cảnh một nhân viên phục vụ hô lớn "Trung Quốc! Mời đi ra ngoài" với một du khách.
Cửa hàng tại thị trấn Hakone, cách thủ đô Tokyo - Nhật Bản 100 km, treo biển cấm người Trung Quốc. Ảnh: Sina
Khi tạp chí Bloomberg liên hệ với nhà hàng Nhật Bản nói trên qua điện thoại, một phụ nữ lý giải rằng họ từ chối tiếp khách hàng người Trung Quốc và Đông Nam Á vì chủ nhà hàng lo về 2019-nCoV. Người phụ nữ nói: "Nếu ông chủ của chúng tôi nhiễm virus và chết, ai sẽ chịu trách nhiệm với nhà hàng đây". Tâm lý lo ngại Trung Quốc không chỉ giới hạn ở châu Á.
Tờ Jyllands-Posten đăng tranh biếm họa hôm 27-1. Ảnh: EN24 NEWS
Tại Đan Mạch, Bắc Kinh đã yêu cầu một tờ báo địa phương Jyllands-Posten xin lỗi vì đăng hình vẽ "chế" các ngôi sao trên quốc kỳ Trung Quốc thành virus corona mới. Tuy nhiên, tờ báo từ chối xin lỗi với lý do quốc gia châu Âu tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Tờ báo địa phương Pháp Courrier Picard bị chỉ trích vì đăng tải trên trang nhất dòng tiêu đề mang tên "Thông báo màu vàng", bị cho là ám chỉ thuật ngữ "Hiểm dọa da vàng", một cụm từ có xu hướng bài ngoại đề cập tới các quốc gia ở Đông Á có từ thế kỷ 19. Courrier Picard sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi.
Bộ Ngoại giao Pháp khuyến nghị các trường và đại học dừng hoạt động trao đổi sinh viên, học sinh với Trung Quốc. Ít nhất một trường trung học đã rút lại lời mời nhóm sinh viên Trung Quốc dự kiến đến vào tuần này.
Ở Canada, phụ huynh trong các cộng đồng ở phía Bắc Toronto đã kêu gọi các trường buộc học sinh, sinh viên mới trở về từ Trung Quốc phải ở nhà ít nhất 17 ngày để giảm nguy cơ lây lan virus corona. Cuộc kêu gọi đã thu hút 10.000 chữ ký.
Đại diện trường York Juanita Nathan khuyến nghị phụ huynh rằng những yêu cầu như vậy có nguy cơ "thể hiện sự thiên vị và phân biệt chủng tộc", ngay cả khi được thực hiện dưới danh nghĩa an toàn.
Bình luận (0)