Dư luận Ấn Độ gần đây không khỏi bị sốc khi xem một video do những kẻ tự xưng là “cứu tinh” của bò đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội mới đây.
Mất mạng vì nợ 5.000 đồng
Đoạn video ghi lại cảnh 4 người đàn ông cởi trần bị trói chặt vào xe, bị một đám nam giới giận dữ đánh đập bằng gậy gỗ, thắt lưng và thanh sắt. Họ phải chịu cảnh trừng phạt rợn người này chỉ vì lột da một con bò chết. Sự việc trên xảy ra tại thị trấn Una ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ hồi tháng 7-2016. Nạn nhân là những người Dalit (gọi là tiện dân, bị xem là đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ) và những kẻ ra tay đánh đập thuộc đẳng cấp cao hơn. Vụ việc không chỉ gây làn sóng phẫn nộ khắp nơi mà còn nêu bật sự tồn tại dai dẳng của tình trạng phân biệt đẳng cấp của đạo Hindu, bất chấp điều này bị luật pháp Ấn Độ cấm từ hơn 65 năm trước.
Giới truyền thông ngày nào cũng đăng tải không ít câu chuyện bất công về tầng lớp Dalit chịu cảnh áp bức từ tầng lớp trên. Chẳng hạn như báo chí hồi tháng 7 đưa tin một bé gái 13 tuổi bị đánh vì uống nước từ máy bơm trong đền thờ, một đội gồm những thành viên Dalit bị đánh tả tơi vì trót giành chiến thắng trước những người thuộc đẳng cấp trên trong môn thể thao truyền thống Kabaddi. Chấn động hơn, một cặp vợ chồng người Dalit nghèo bị đánh đến chết vì tranh cãi với chủ nợ thuộc đẳng cấp cao hơn - khoản nợ chỉ 15 rupee (khoảng 5.000 đồng).
Tính ra, người Dalit là nạn nhân của hàng ngàn vụ tấn công mỗi năm tại Ấn Độ. Sau thời gian dài chịu đựng, cộng đồng người Dalit bắt đầu chuyển sang phản ứng sự đối xử tàn bạo của tầng lớp trên. Bà Beena Pallickal, một nhà hoạt động vì quyền lợi của tầng lớp Dalit, chỉ ra rằng làn sóng biểu tình phản đối khắp nước sau vụ việc ở Una là dấu hiệu mới nhất cho thấy họ không còn âm thầm chấp nhận những bất công phải gánh chịu lâu nay.
Không dễ phá bỏ định kiến
Hiện tại, nhất là ở các đô thị lớn, sự phân chia đẳng cấp không còn đậm nét như trước. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thúc đẩy sự đô thị hóa, người dân từ các vùng miền và thuộc đủ tầng lớp xã hội buộc phải sống chen chúc trong những khu dân cư đông đúc. Theo các nhà phân tích, môi trường sống mới này khiến họ dần ít quan tâm hơn đến vấn đề phân chia đẳng cấp và những định kiến tồn tại trong nhiều thế kỷ qua. Bên cạnh đó, một thế hệ mới nổi của những người Dalit có học thức yêu cầu chấm dứt phân biệt đối xử. Ông Chandra Bhan Prasad, một nhà văn Dalit, nói: “Thế hệ người Dalit mới này không thể chịu đựng sự sỉ nhục. Họ cũng sẽ không chấp nhận điều đó”.
Trong nhiều thế kỷ, người Dalit buộc phải làm những công việc thấp kém nhất như lột da động vật chết, làm sạch nhà vệ sinh công cộng hoặc hệ thống cống rãnh. Thế nhưng, bây giờ họ có nhiều lựa chọn khác để kiếm sống. “Sự bùng nổ kinh doanh sau những cải cách kinh tế ở Ấn Độ năm 1991 đã tạo điều kiện cho người thuộc tầng lớp Dalit dễ dàng kiếm kế sinh nhai hơn. Họ không còn phụ thuộc vào những người ở đẳng cấp cao hơn để có cái ăn hằng ngày” - ông Prasad nói.
Tuy nhiên, ông Udit Raj, một nghị sĩ và là người tranh đấu cho quyền lợi của Dalit bên trong Đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền, nhận định vai trò lớn hơn của tầng lớp Dalit trong nền kinh tế không có nghĩa họ sẽ được chấp nhận về mặt xã hội. Chính khách này chỉ ra một loạt bất công vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của người Dalit. Chẳng hạn như tại nhiều thành phố, người Dalit không được phép sở hữu căn hộ tại khu vực sinh sống của người đẳng cấp cao hơn. Ngoài ra, mọi tờ báo Ấn Độ vẫn còn đăng quảng cáo tìm bạn đời, trong đó ghi rõ người đăng xuất thân từ đẳng cấp nào và muốn cưới người thuộc đẳng cấp nào.
Chiếm 1/6 dân số Ấn Độ
Kết quả điều tra dân số năm 2011 thống kê được khoảng 204 triệu người thuộc tầng lớp Dalit ở đất nước hơn 1,2 tỉ người này. Như vậy, cộng đồng Dalit xấp xỉ dân số Brazil, quốc gia đông dân thứ 5 thế giới. Điều đáng nói là có hơn 47.000 vụ phân biệt đối xử nhằm vào người Dalit được ghi nhận tại các sở cảnh sát khắp nước trong năm 2014.
Bình luận (0)