Cũng như Đảng Cộng hòa (GOP), đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ - diễn ra từ ngày 25 đến 28-7 tại TP Philadelphia, bang Pennsylvania - có sự khởi đầu không như ý.
Sự kiện lịch sử bị phủ bóng
Trong lúc GOP chứng kiến vụ bê bối đạo văn liên quan đến vợ ứng viên Donald Trump trong ngày khai mạc thì Đảng Dân chủ sẽ phải bầu chọn chủ tịch mới sau khi đại hội kết thúc do những tranh cãi về vụ rò rỉ gần 20.000 email của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) vào cuối tuần rồi. Bà Debbie Wasserman Schultz hôm 24-7 thông báo sẽ từ chức chủ tịch DNC sau khi đại hội khép lại - một bước đi nhằm xoa dịu làn sóng giận dữ bởi nội dung một số email cho thấy các quan chức DNC tìm cách cản trở chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ chính của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong quá trình bầu cử sơ bộ.
Vụ lùm xùm khiến nỗ lực thể hiện một Đảng Dân chủ ổn định, đoàn kết tại đại hội lần này - tương phản với tính thất thường của tỉ phú Trump, người được đề cử làm ứng viên tổng thống tại đại hội ồn ào của GOP vào tuần rồi - trở nên méo mó. Nó cũng phủ bóng lên sự kiện mang tính lịch sử: bà Clinton dự kiến trở thành người phụ nữ đầu tiên được một đảng lớn của Mỹ đề cử làm ứng viên tổng thống.
Đám đông ủng hộ ông Bernie Sanders tuần hành tại TP Philadelphia hôm 24-7. Ảnh: Reuters
Theo tờ The Washington Post, bê bối email càng khiến nhiều người ủng hộ ông Sanders có thêm lý do kéo đến TP Philadelphia để phản đối kết quả cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua. Một số người thậm chí ấp ủ ý định “nổi loạn” để lật đổ bà Clinton và Thượng nghị sĩ Timothy M. Kaine, “phó tướng” của bà. Tuy nhiên, không hành động nào nói trên được ông Sanders tán thành. Trả lời các cuộc phỏng vấn hôm 24-7, thượng nghị sĩ này từ chối gắn kết vụ rò rỉ email với bà Clinton và khen ngợi có chừng mực ông Kaine dù thích một nhân vật tả khuynh hơn. Trong nỗ lực ngăn chặn bê bối email lan rộng, ông Sanders nhấn mạnh sự ra đi của bà Schultz sẽ giúp Đảng Dân chủ thêm đoàn kết sau một chiến dịch tranh cử sơ bộ quyết liệt.
Cú hích cho bà Clinton
Tờ USA Today bình luận động thái của ông Sanders sẽ bảo đảm không có “khoảnh khắc Ted Cruz” nào tại đại hội Đảng Dân chủ - ý nói đến chuyện Thượng nghị sĩ Cruz kiên quyết từ chối ủng hộ tỉ phú Trump tại đại hội GOP. Các cố vấn cho biết ông Sanders sẽ dùng bài diễn văn đọc vào đêm 25-7 để nêu bật lý do bầu chọn bà Clinton cũng như kêu gọi tiếp tục “cuộc cách mạng chính trị” mà ông đã khởi xướng và giúp cương lĩnh Đảng Dân chủ nghiêng đáng kể về cánh tả. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Sanders có thể thuyết phục được chính những người ủng hộ mình chuyển sự hậu thuẫn bà Clinton sau bê bối email nói trên hay không.
Đêm khai mạc đại hội sẽ khép lại bằng bài phát biểu của đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Là nhân vật được ưa thích trong đảng và khắp nước, bà Obama có thể gia tăng sức hút của bà Clinton đối với cử tri nữ. Một cú hích khác dành cho cựu ngoại trưởng, theo tờ The New York Times, là tỉ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng TP New York, sẽ có bài diễn văn ủng hộ bà Clinton vào ngày 27-7.
GOP công kích
Vào thời điểm đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra, liên danh tranh cử của GOP Donald Trump - Mike Pence cũng tìm cách “bòn rút” sự chú ý của dư luận bằng các cuộc vận động tranh cử ở một loạt bang - Virginia và Bắc Carolina (hôm 25-7), Florida (26-7) và Pennsylvania (27-7). Trong khi đó, các thành viên GOP khác có mặt ở Philadelphia với kế hoạch đối phó với phe Dân chủ và gây ấn tượng với cử tri. Họ sẽ tổ chức các buổi họp báo trong ngày 26 và 27-7 để công kích phe Dân chủ.
Theo báo The Wall Street Journal, những đòn công kích của GOP nhắm vào bà Hillary Clinton và đại hội của phe Dân chủ có thể giúp nội bộ GOP tạm quên đi căng thẳng nảy sinh từ những vụ tranh cãi của ông Trump với các đối thủ từng từ chối ủng hộ ông. “Trong tâm trí tôi lúc này là ý nghĩ đánh bại Hillary Clinton” - ông Trump trả lời đài NBC hôm 24-7.
Thêm vào đó, bê bối email cũng là dịp không thể tốt hơn để GOP đánh vào uy tín Đảng Dân chủ. Tỉ phú Trump công kích trên Twitter: “Phe Dân chủ đang khủng hoảng toàn diện nhưng các phương tiện truyền thông thiên vị sẽ nói họ hoạt động rất tốt. Vụ email cho thấy hệ thống gian lận đang sống khỏe”. Đáp lại, chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton thắc mắc phải chăng người Nga đã nhúng tay vào vụ đánh cắp email của DNC để giúp ông Trump, người từng khen ngợi Tổng thống Vladimir Putin.
Lục San
Bình luận (0)