Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ đã vào cuộc điều tra 3 vụ tấn công mạng liên tiếp nhắm vào Đảng Dân chủ gần đây. Nạn nhân mới nhất là hệ thống máy tính của đội tranh cử cho bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Phá hoại phe Dân chủ
Trong tuyên bố hôm 29-7, chiến dịch tranh cử của bà Clinton nhấn mạnh hệ thống máy tính nội bộ không bị tổn hại. “Một chương trình phân tích dữ liệu của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) được chiến dịch của chúng tôi cùng một số tổ chức khác sử dụng đã bị tin tặc tấn công. Các chuyên gia an ninh mạng đang xem xét và cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy bằng chứng rằng hệ thống bị tổn hại” - tuyên bố nêu rõ. Ngoài ra, Ủy ban Chiến dịch quốc hội Đảng Dân chủ - đơn vị chịu trách nhiệm quyên tiền cho các ứng viên Dân chủ chạy đua vào hạ viện Mỹ - cũng bị tấn công mạng.
Theo đài CNN, những vụ tấn công mạng xảy ra suốt 18 tháng qua và hầu hết nhắm vào phe Dân chủ. Trong khi đó, báo The New York Times cho hay bắt đầu có báo cáo về các vụ tấn công nêu trên từ giữa tháng 6 năm nay, khi DNC tố cáo 2 nhóm tin tặc Nga xâm nhập hệ thống máy tính của họ. Sau đó, trang web WikiLeaks tung ra gần 20.000 email nội bộ của DNC, gây rạn nứt trong Đảng Dân chủ và khiến bà Debbie Wasserman Schultz phải từ chức chủ tịch DNC.
Người sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, công khai nói muốn cản trở cơ hội trở thành tổng thống của bà Clinton và hứa hẹn tiết lộ nhiều thông tin hơn nữa. Các nhà điều tra đang tìm hiểu xem 3 vụ việc nêu trên có phải là chuỗi tấn công liên hoàn nhằm vào Đảng Dân chủ hay không. Đặc biệt, Reuters dẫn nguồn tin rành rẽ cuộc điều tra cho biết việc bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp vào cuộc cho thấy Mỹ xem vụ tấn công mạng này do một nước bảo trợ.
Nghi ngờ dồn về Nga
Theo báo The New York Times, vụ tấn công mạng DNC có thể do Fancy Bear - nhóm tin tặc bị cáo buộc liên quan đến Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) - thực hiện.
Dĩ nhiên, Moscow hoàn toàn phủ nhận. Dẫu vậy, Reuters dẫn lời các chuyên gia tin rằng Nga có cả động cơ lẫn năng lực để tấn công. Theo Reuters, Nga sẽ chỉ hành động nếu cảm thấy Mỹ can thiệp vào chính trường của họ. Hồi tháng 2, Tổng thống Vladimir Putin nói ông nhận được tin tình báo cho thấy các kẻ thù nước ngoài của Nga - ám chỉ Mỹ - toan tính xen vào cuộc bầu cử quốc hội Nga vào cuối năm nay. Hồi năm 2011, ông Putin cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ và bà Hillary Clinton, khi ấy là ngoại trưởng, kích động cuộc biểu tình đường phố chống lại nhà lãnh đạo này.
Một động cơ khác, theo học giả Mark Galeotti thuộc Viện Quan hệ quốc tế Prague (CH Czech), là Nga - nếu đúng nước này - muốn chứng tỏ nền dân chủ Mỹ dễ bị gây rối loạn. Trong khi truyền thông thế giới đồn đoán Nga “thích” ông Donald Trump, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, hơn bà Clinton thì ông Samuel Greene - Giám đốc Viện Nga của Trường Cao đẳng King’s London (Anh) - lại nghĩ rằng mục đích của Moscow là gây mất ổn định và bảo đảm người thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8-11 tới là… một nhân vật yếu thế. Theo báo chí Mỹ, mối ác cảm của ông Putin với bà Clinton một phần vì cựu ngoại trưởng Mỹ rất cứng rắn với Nga.
Về mặt khả năng, các chuyên gia đồng tình rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và GRU có năng lực tấn công mạng rất cao. FSB và GRU từng bị tố ra tay ở Estonia, Georgia, Ukraine. Đó là chưa kể nhiều nhóm tin tặc khác thỉnh thoảng cộng tác với an ninh Nga.
Mục tiêu rộng lớn
Tờ The Washington Post dẫn lời nhiều quan chức an ninh Mỹ cấp cao cảnh báo 3 vụ tấn công mạng nhằm vào Đảng Dân chủ nêu trên có thể nằm trong một ý đồ rộng lớn hơn: Tấn công tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ - điều mà Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, gọi là “sự can thiệp chưa từng có tiền lệ”. Nghiêm trọng hơn, Tổ chức An ninh nội địa Aspen (bao gồm 32 chuyên gia an ninh nội địa và chống khủng bố) cảnh báo các chính phủ nước ngoài và nhóm khủng bố có thể thao túng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong khi mọi sự chú ý đang đổ dồn về Đảng Dân chủ, The Washington Post chỉ ra phía Cộng hòa cũng bị tấn công. Theo The Washington Post, các nhà điều tra tư nhân tiết lộ tin tặc không chỉ trộm email của DNC mà còn “nẫng” luôn các nghiên cứu của cơ quan này về ông Trump. Các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ khẳng định tin tặc còn hỏi thăm hệ thống máy tính của chiến dịch tranh cử của tỉ phú Mỹ, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, các ủy ban chính trị đảng này… Tuy nhiên, không rõ các vụ tấn công này có thành công hay không.
Nhiều nghị sĩ Mỹ cảnh báo nếu GRU thực sự dính líu thì các vụ tấn công mạng ở Mỹ đã vượt ra ngoài tầm hoạt động gián điệp truyền thống, trở thành chiến tranh thông tin. Theo Reuters, hiện trong nội bộ chính phủ Mỹ có 2 luồng ý kiến quanh vụ việc. Một số quan chức không muốn làm lớn chuyện vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của Ngoại trưởng John Kerry về việc thuyết phục Nga hợp tác tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Nhiều người cũng lo lắng một cáo buộc công khai sẽ khiến Nga tăng cường tấn công mạng nhằm vào Mỹ; cản trở tàu chiến, máy bay của Mỹ và đồng minh ở biển Baltic, biển Đen hay leo thang căng thẳng ở Đông Âu. Ngược lại, một nhóm quan chức khác cho rằng phản ứng mạnh với Nga sẽ hiệu quả hơn là im lặng.
Bình luận (0)