Tại cuộc họp báo ở bang Florida, ông Trump nhắc lại vụ bà Clinton dùng email cá nhân cho công việc trong quãng thời gian làm ngoại trưởng. Ông đề nghị Moscow “tìm giúp” hơn 33.000 email đã xóa của nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ.
“Nga, nếu các bạn nghe thấy, tôi hy vọng các bạn có thể tìm ra 33.000 email bị mất tích. Tôi nghĩ rằng các phương tiện truyền thông của chúng tôi sẽ ca ngợi các bạn” – ông Trump nói tại cuộc họp. “Có thể họ (Nga) đang giữ chúng. Tôi muốn họ công bố. Bây giờ, nếu Nga, Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác có những email đó, tôi rất muốn nhìn thấy chúng”.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump cũng viết: “Nếu Nga hay bất kỳ nước nào, hoặc người nào, giữ 33.000 email bị xóa bất hợp pháp của bà Hillary Clinton, có lẽ họ nên giao cho FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ)”.
Ông Trump lại khơi mào cho một cuộc tranh cãi dữ dội về bê bối email của bà Clinton. Ảnh: KAKE
Lời kêu gọi nói trên của ông Trump càng làm cho nghi án Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ thêm ồn ào. Nó còn mang hàm ý ông Trump muốn “mở cửa cho Nga dàn dựng một cuộc tấn công mạng để tìm kiếm email, chống lại Mỹ”.
Trước đó, quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ông Robby Mook, cho rằng tin tặc Nga đã xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), đánh cắp email và tung lên mạng internet. Hành động này, theo ông Mook, nhằm giúp ông Trump đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử ngày 8-11 sắp tới. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ "cáo buộc vô căn cứ" này.
Giờ đây, tranh cãi tiếp tục nổ ra ngay tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở TP Philadelphia sau phát biểu của ông Trump. Nhóm tranh cử của bà Clinton tố ông Trump gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, thậm chí âm mưu hợp tác với kẻ thù của Mỹ.
Cố vấn chính sách cấp cao Jake Sullivan của bà Clinton bức xúc: “Đây là lần đầu tiên một ứng viên tổng thống tích cực khuyến khích thế lực nước ngoài tiến hành hoạt động gián điệp chống lại các đối thủ của ông ta. Điều này không còn là một vấn đề gây tò mò, thuộc về chính trị mà đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta nhận định những lời lẽ trên làm dấy lên câu hỏi về lòng trung thành của tỉ phú New York đối với đất nước: “Ứng viên tổng thống không nên yêu cầu một quốc gia nước ngoài, đặc biệt là Nga, tiến hành tấn công mạng hoặc làm gián điệp để cố gắng xác định xem các ứng viên Dân chủ có thể đã hoặc không làm gì”.
Một quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, sau đó phản đối cáo buộc tỉ phú New York “mời gọi một quốc gia nước ngoài đánh cắp email của một ứng viên tổng thống”: “Tôi nghĩ rằng đó là một điều hoàn toàn vô lý khi nói ông ấy mời một quốc gia tấn công và đắnh cắp email của một ứng viên tổng thống”.
Chuyên gia phân tích pháp lý Steve Vladeck nói với đài CNN rằng bình luận của ông Trump không thể coi là “phản quốc”. Nhưng ông có thể đã vi phạm luật liên bang khi xúi giục người khác hành động chống lại tài sản của Mỹ, trong đó có hoạt động tấn công mạng.
WikiLeaks tiếp tục tấn công Đảng Dân chủ
Trang WikiLeaks hôm 27-7 tiếp tục rò rỉ hàng loạt thư thoại của các quan chức Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) hàng đầu. Trong số này có 29 cuộc gọi điện thoại kéo dài 14 phút. Sau khi tiết lộ 19.000 email của DNC vào ngày 22-7, người sáng lập trang WikiLeaks, ông Julian Assange, cảnh báo sẽ tung ra thêm nhiều tài liệu phanh phui những bí mật nhảy cảm trong nội bộ ủy ban này.
Một trong những cuộc gọi được công bố hôm 27-7 có mã vùng 480 (có thể từ TP Phoenix, bang Arizona) được đánh số #16014. Người gọi cho biết: “Tôi rất tức giận về những gì ông/bà đang làm đối với Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders. Ông ta nhận được quá nhiều ảnh hưởng. Tôi có thu nhập cố định và đã dành tặng hơn 300 USD cho bà Hillary. Bernie là người tệ nhất thế giới để chạy đua cho đảng Dân chủ... Tôi sẽ rời khỏi đảng Dân chủ nếu họ tiếp tục chiều chuộng Bernie Sanders”.
Một người khác, gọi từ mã vùng 267 (TP Philadelphia, bang Pennsylvania), tìm cách tiếp cận với đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Cuộc gọi này đánh số #16663 trong danh sách của WikiLeaks. “Ai đó từ Thư viện Lưu động muốn biết cách tốt nhất để liên hệ với Michelle Obama... Cách tốt nhất để liên lạc với bà ấy? Bà ấy có thư ký không? Kênh tốt nhất để liên lạc là gì? Cảm ơn rất nhiều. Tạm biệt”.
Bình luận (0)