Trong lúc quá trình khôi phục quan hệ đồng minh từng căng thẳng với Washington đang tiến triển, Philippines bất ngờ kêu gọi xét lại Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký với Mỹ năm 1951.
Thoạt nhìn, tuyên bố gây sốc hồi cuối tháng 12-2018 nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana có vẻ rất lạ lùng. Philippines đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất trong suốt 70 năm qua trước một Trung Quốc không ngừng bành trướng. Một tuyên bố như thế lại xuất phát từ một bộ mà cho đến giờ vẫn kiên quyết chống lại sức ép từ Tổng thống Rodrigo Duterte trong việc giảm quan hệ quân sự lâu năm với Washington.
Ông Lorenzana thậm chí tuyên bố không loại trừ khả năng hủy bỏ hoàn toàn MDT. Hiệp ước này cho phép một bên đơn phương vô hiệu hóa trong vòng 1 năm kể từ khi thông báo. Tuy nhiên, hành động của ông Lorenzana có thể tinh tế hơn bề ngoài. Chắc chắn ông không hề muốn tìm cách phá vỡ liên minh với Mỹ. Thay vào đó, bằng cách nêu bật khả năng đàm phán về MDT, ông có thể ép những quan chức Philippines thân Trung Quốc lộ diện, đồng thời buộc họ phải nói rõ họ muốn loại thỏa thuận an ninh nào và giải thích một thỏa thuận như thế sẽ bảo vệ lợi ích của Manila ra sao.
Cùng lúc, chiến lược trên có thể buộc Washington nhượng bộ và cải thiện MDT - một hiệp ước bị xem là còn khá mơ hồ. Tất nhiên, đây là một canh bạc đầy rủi ro, đặc biệt là khi cả Tổng thống Duterte và người đồng cấp Donald Trump đều là những nhà lãnh đạo khó đoán. Dù vậy, ông Lorenzana có lý do để mạo hiểm bởi phiên bản MDT hiện nay cần được cải thiện về nhiều mặt. Trong nội bộ chính quyền Tổng thống Duterte, ngay cả những quan chức thân Mỹ cũng có chung tâm trạng bất bình với thái độ lừng khừng của Washington về mức độ cam kết đối với Manila, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp biển Đông.
Ông Lorenzara đã đúng khi muốn đồng minh phải "cập nhật" MDT để phù hợp với tình hình địa chính trị trong thế kỷ XXI, trong đó có sự trỗi dậy của Trung Quốc và nhu cầu tăng cường gắn kết về kinh tế giữa Mỹ và khu vực. Để được tiếp cận nhiều hơn các căn cứ chiến lược của Philippines gần biển Đông, Washington phải làm rõ rằng liệu họ có sẵn sàng hỗ trợ Manila trong trường hợp xảy ra xung đột tại vùng biển tranh chấp này hay không. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, các cam kết của Washington trong khuôn khổ MDT là không rõ ràng và khi biển Đông leo thang căng thẳng, vấn đề này trở nên cấp bách hơn.
Sự lo lắng của Manila được hình thành từ vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough năm 2012. Lúc đó, Washington thể hiện lập trường trung lập khi kêu gọi Bắc Kinh và Manila giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Lo ngại về cam kết của Mỹ càng gia tăng kể từ khi Tổng thống Duterte và Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Trong khi ông Duterte cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng liên tục hoài nghi về quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh.
Một cuộc tập trận của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và binh sĩ Philippines tại căn cứ hải quân Leovigildo Gantioqui ở Philippines vào năm ngoái. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
MDT có 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, nó không bảo đảm sự hỗ trợ tự động của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp. Theo hiệp ước song phương này, mỗi bên sẽ hành động để giải quyết những nguy hiểm chung theo các quy trình hiến pháp của họ. Điều này có nghĩa là quốc hội Mỹ sẽ có tiếng nói về việc liệu Washington có nên hỗ trợ Manila khi xung đột xảy ra hay không.
Thứ hai là phạm vi cam kết chính xác của Mỹ. Theo hiệp ước này, phòng thủ chung được áp dụng trong trường hợp xảy ra "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lãnh thổ đô thị của mỗi bên hoặc trên lãnh thổ đảo thuộc thẩm quyền của họ ở Thái Bình Dương hoặc nhằm vào các lực lượng vũ trang, máy bay hoặc tàu chính phủ của họ ở Thái Bình Dương".
Tuy nhiên, kể từ những năm 1970, Mỹ mập mờ về việc liệu phòng thủ chung có được áp dụng cho các vùng lãnh thổ do Philippines kiểm soát và tuyên bố chủ quyền trên biển Đông hay không. Trong chuyến thăm Philippines vào năm 2014, Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó, ông Barack Obama, từ chối làm rõ liệu MDT có được áp dụng trong trường hợp xung đột nổ ra giữa Manila và Bắc Kinh ở biển Đông hay không.
Ngược lại, chính quyền ông Obama nói rõ rằng Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản (1951) được thực thi đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang được Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Theo hiệp ước này, các lực lượng Mỹ đóng tại Nhật Bản "có thể được huy động để duy trì an ninh và hòa bình quốc tế ở vùng Viễn Đông cũng như duy trì an ninh Nhật Bản" trước một cuộc tấn công vũ trang.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông Lorenzana viện dẫn lý do lập trường không rõ ràng của Mỹ để kêu gọi xét lại MDT. Ông cũng nói rằng có những thắc mắc về việc liệu hiệp ước này "còn phù hợp với an ninh Philippines hay không?". Tuy nhiên, yêu cầu xem xét lại MDT không nên được sử dụng như một chiến lược rút lui mà là cơ hội để nâng cấp quan hệ liên minh giữa hai nước để phù hợp với tình hình thế kỷ XXI. Với Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana và cả Tổng thống Duterte, vấn đề này nên được xem là ưu tiên hàng đầu.
Bình luận (0)