Khi tới Mỹ lần đầu tiên, Ren Zhengfei - ông trùm Huawei - đã chuẩn bị rất kỹ càng. Với 10.000 USD giấu trong lớp lót áo khoác và cẩn thận khâu lại, nhà sáng lập tập đoàn thiết bị viễn thông của Trung Quốc (TQ) này lên đường để khám phá đất nước mà ông coi là cửa ngõ bước vào thị trường toàn cầu cho công ty non trẻ của mình.
Tham vọng thống lĩnh thế giới
Đó là vào năm 1997, khi ông Ren - cựu kỹ sư của Quân đội Nhân dân TQ (PLA) - ở tuổi 53 và tập đoàn viễn thông do ông tạo lập từ số vốn 5.000 USD mới chỉ 10 tuổi.
Ông Ren Zhengfei, người sáng lập tập đoàn Huawei Ảnh: BUSINESS INSIDER
Sau quá trình buôn bán thiết bị chuyển mạch điện thoại rồi chuyển sang tự lắp ráp, Huawei bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Hành trình nước Mỹ của ông Ren bao gồm các điểm dừng ở công ty Bell Labs (thuộc sở hữu Nokia) và tập đoàn công nghệ máy tính IBM, nơi "cha đẻ" Huawei đã không giấu giếm sự kinh ngạc trước sức mạnh của kỹ thuật và các phương pháp quản lý hiện đại. Ông cũng dừng chân ở Las Vegas để lang thang quanh các sòng bạc.
Việc cất giấu một lượng tiền mặt không nhỏ qua mặt Hải quan Mỹ vẫn là một trong những giai thoại khiến ông Ren thích thú nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, những ký ức ấy nay có thể mang dư vị cay đắng. Giới chức Mỹ đang dốc sức buộc Huawei phải trả giá cho những cáo buộc liên quan tới việc lách cấm vận của Washington đối với Iran.
Bà Meng Wanzhou, con gái ông Ren và là giám đốc tài chính (CFO) Huawei, vừa bị bắt giữ ở Canada. "Nữ tướng" Huawei đang chờ quyết định dẫn độ sang Mỹ, nơi bà sẽ đối mặt cáo buộc lừa gạt các ngân hàng phương Tây vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran.
Vụ việc đang đẩy Huawei vào tâm bão cuộc chiến công nghệ leo thang giữa Mỹ và TQ, cũng được cho là đỉnh điểm cuộc chiến của ông Ren trong tham vọng đưa Huawei leo lên vị trí thống lĩnh toàn cầu. "Chúng ta chắc chắn sẽ vươn tới đỉnh Everest" - ông nhắn gửi nhân viên trong thông điệp của tháng đầu năm 2019 - "Tương lai của chúng ta tươi sáng dù con đường phía trước có thể chông gai".
Vào thời điểm ông Ren lần đầu đến Mỹ, doanh thu của Huawei chưa đầy 1 tỉ USD. Đến năm 2018, tập đoàn đã đạt doanh thu lên tới 100 tỉ USD. Năm 1997, Huawei mới chỉ hoàn tất thương vụ xuất khẩu đầu tiên cho nhà mạng viễn thông Hutchison Whampoa của Hồng Kông. Nay, nó đã trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ 2 toàn cầu.
Tại Mỹ, sự phát triển thần tốc của Huawei đã sớm gây bất an. Giới chức an ninh phương Tây cho rằng Huawei có quan hệ gần gũi và có thể đang tiếp tay cho PLA do thám Washington. Chính phủ Mỹ đã ngăn chặn Huawei thâu tóm các công ty ở đây và hất văng tập đoàn này khỏi các thương vụ thiết bị mạng. Thậm chí, Washington còn thúc đẩy đồng minh nói không với các hợp đồng triển khai mạng 5G của Huawei.
Dù gã khổng lồ thiết bị viễn thông của TQ hết lần này tới lần khác phủ nhận các cáo buộc, nhân viên Huawei vẫn coi ông chủ của họ là nhân vật đáng gờm, có khả năng làm bất cứ điều gì. "Làm nên tập đoàn ngày nay, tất cả từ đôi tay của ông ấy. Ren tận tụy và tàn nhẫn" - một cựu quản lý cấp cao của Huawei nhận xét.
Phất nhanh đáng ngờ
Sinh năm 1944, ông Ren bắt đầu sự nghiệp với vai trò chuyên gia nghiên cứu kỹ thuật trong PLA. Sự nghiệp trong quân ngũ của ông chỉ kéo dài 8 năm. Theo ông chủ Huawei, ông mất công việc nói trên vào thời điểm PLA tinh giản nhân sự năm 1982. Vị đại gia hiện sở hữu khối tài sản lên tới 3,2 tỉ USD luôn giễu cợt những ngờ vực rằng "quá khứ nhà binh" của ông khiến Huawei là một doanh nghiệp có quan hệ đặc biệt với lực lượng vũ trang TQ ngày nay.
Trong khi ông Ren luôn nhún nhường tự nhận mình là một gã trai quê, phải bươn chải vất vả trong những ngày đầu chập chững kinh doanh và không biết gì nhiều về thế giới bên ngoài, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ. "Huawei hoạt động kinh doanh có phần làng nhàng trong thập kỷ đầu tiên nhưng rồi cất cánh một cách khó hiểu. Người ta ngờ rằng phải có một thế lực nào đó đã trợ giúp nó. Thế nhưng, đó là một điều bí ẩn, thậm chí ngay cả trong nội bộ tập đoàn" - một cựu quản lý của Huawei tiết lộ với tạp chí Financial Times (trụ sở tại Anh).
Nhiều tờ báo phương Tây cho rằng Huawei phất lên nhanh nhờ có quan hệ với nhiều lãnh đạo TQ. Đây cũng là con đường làm giàu quen thuộc của không ít tỉ phú mới tại nền kinh tế số 2 thế giới. Theo Financial Times, có những dấu hiệu cho thấy ông Ren đã qua lại với những nhân vật ở cấp rất cao.
Đồng nghiệp nhìn nhận ông chủ Huawei là một người chỉ hiểu biết sơ sài và ít quan tâm tới chi tiết kỹ thuật nhưng đang dẫn đầu một đội ngũ lao động hơn 180.000 người với kỷ luật sắt. Dù luôn cố gắng giữ khoảng cách với quá khứ làm việc cho PLA, phong cách quản lý và kiểu hô hào của ông Ren được cho là có "mùi" kỷ luật quân sự. "Chiếc tàu sân bay Huawei vừa ra khơi đang cần hàng ngàn anh hùng vững tay chèo" - ông viết trong thông điệp gửi nhân viên vào tháng 1-2019, trong đó hối thúc họ rũ bỏ những điểm yếu và thiếu sót để trở thành những "chiến binh vĩ đại".
Kỳ tới: "Nhà Trắng" bên trong trụ sở Huawei
Tình duyên lận đận
Ông Ren đã trải qua 3 cuộc hôn nhân. Trong đó, "nữ tướng" Huawei là con gái đầu lòng của ông với người vợ đầu tiên - bà Meng Jun.
Trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2013, bà Meng Wanzhou tiết lộ đã đổi sang họ mẹ vào năm 16 tuổi, tức năm 1988 - chỉ một năm sau khi Huawei được thành lập. Song, theo tờ Epoch Times (trụ sở tại Mỹ), "nữ tướng" Huawei đã theo họ mẹ ngay khi chào đời bởi xuất thân bần hàn của cha. Thậm chí, có thông tin cho rằng trong thời gian quân ngũ, ông Ren khó thăng tiến do lai lịch không sáng sủa. Tuy nhiên, cha bà Meng Jun - từng là sĩ quan quân đội, về sau làm bí thư thành ủy một thành phố ở Tứ Xuyên rồi đại biểu Quốc hội Trung Quốc - được xem là đã tạo "bệ phóng" cho con rể.
Cuộc hôn nhân thứ nhất của ông Ren đổ vỡ sau khi Huawei thành lập không lâu. Hai người vợ sau đó của ông không có nhiều thông tin được khai thác, chỉ biết người thứ hai tên Yao Ling và thứ ba chính là trợ lý của ông.
Bình luận (0)