Khalid và Brahim El Bakraoui
Thông tin trên vừa được đài RTBF đăng tải hôm 23-3. Theo đó hai tên Khalid và Brahim El Bakraoui là cư dân Bỉ vốn đã có trong danh sách hồ sơ tội phạm của cảnh sát vì đã dính tiền án.
Cũng theo RTBF, Khalid dùng tên giả để thuê một căn hộ ở khu Forest tại thủ đô Brussels – Bỉ. Hồi tuần trước, cảnh sát đã đột kích và tiêu diệt một tay súng ở khu vực này. Sau cuộc đột kích, cảnh sát tìm thấy một lá cờ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, cảnh sát còn tìm thấy một khẩu súng trường, thiết bị nổ và dấu vân tay của nghi phạm khủng bố Paris Salah Abdeslam – kẻ bị bắt 3 ngày sau đó.
Nghi phạm thứ 3 đứng sau vụ tấn công sân bay Brussels được xác định là Najim Laachraoui, 25 tuổi, theo báo DH của Bỉ. ADN của Laachraoui được tìm thấy ở ngôi nhà những kẻ khủng bố Paris ở năm 2015.
Trước đó có tin Laachraoui tới Hungary hồi tháng 9-2015 cùng với nghi phạm Salah Abdeslam.
Hai anh em Khalid và Brahim El Bakraoui đều có tên trong hồ sơ tội phạm, nhưng trước đó chúng chưa nằm trong danh sách liên quan tới khủng bố.
Tờ The New York Times sáng 23-3 đăng tải những hình ảnh do camera giám sát tại sân bay Zaventem ở thủ đô Brussels của Bỉ ghi lại cho thấy những dấu hiệu “tử thần” được cho là đã bị bỏ lỡ trong vụ đánh bom đẫm máu này.
Bức ảnh cho thấy 2 anh em Khalid và Brahim El Bakraoui chỉ đeo găng tay một bên (có lẽ để giấu thiết bị kích nổ), đẩy xe chở hành lý vào khu làm thủ tục. Dáng vẻ và điệu bộ của họ trông rất bình thường, thậm chí là bình thản.
Theo The New York Times, những dấu hiệu trên dù rất nhỏ nhưng đáng để lưu tâm bởi chúng là những biểu hiện của hầu hết những tay súng được IS cử đến châu Âu để tiến hành các vụ khủng bố.
"Điềm tĩnh" và "quyết tâm" là hai trong những từ được dùng nhiều nhất trong lời kể của những nhân chứng trong vụ thảm sát ở Paris tháng 11-2015. Một từ nữa cũng hay được dùng là "sẵn sàng chết".
Hai anh em Khalid và Brahim El Bakraoui mặc áo đen. Kẻ áo trắng được xác định là nghi phạm số 3 tên là Najim Laachraoui có liên hệ với nghi phạm khủng bố Paris Salah Abdeslam. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, việc đeo găng tay một bên cũng được cho là dấu hiệu đáng phải cảnh giác vì bên dưới bao tay đó có thể là thiết bị kích nổ. Theo các chuyên gia tình báo hải ngoại của Mỹ, vụ đánh bom ở sân bay Zaventem lẽ ra có thể được ngăn chặn nếu như lực lượng an ninh và cả người dân Bỉ cảnh giác cao độ hơn.
"Nếu tôi thấy một gã bước vào khu làm thủ tục sân bay mà chỉ đeo một chiếc găng tay, tôi sẽ nghi ngờ và tách người này ra để kiểm tra riêng…” - ông Don Hubbard, cựu đặc vụ FBI và hiện là một chuyên gia an ninh tư nhân, cho biết.
Theo các nhân chứng trong nhà hát Bataclan ở Paris - Pháp vào thời điểm bị tấn công (tối 13-11-2015), những kẻ tấn công cũng đeo găng 1 bên để che thiết bị kích nổ.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Y tế Bỉ cho biết đã có 31 người thiệt mạng và 260 người bị thương trong các vụ tấn công hôm 22-3.
Bình luận (0)