Theo Daily Mail đưa tin, hòn đảo nói trên chưa có tên chính thức, chỉ được các nhà khoa học tạm gọi là Hunga Tonga-Hunga Ha'apai hoặc HTHH.
Hòn đảo này được hình thành từ một vụ phun trào núi lửa giữa 2 hòn đảo Hunga Tonga và Hunga Ha’apai hồi tháng 1-2015.
Theo các nhà khoa học từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), hòn đảo bí ẩn nói trên là một trong 3 hòn đảo được hình thành từ các vụ phun trào núi lửa trong vòng 150 năm qua có thể tồn tại được hơn vài tháng bất chấp sóng biển. Họ tin rằng hòn đảo này có thể tồn tại thêm một thời gian dài.
Hòn đảo này được hình thành từ một vụ phun trào núi lửa. Ảnh: NASA
Ông Dan Slayback, đến từ NASA, cùng các nhà khoa học và nghiên cứu sinh đã đặt chân đến hòn đảo nói trên hồi tháng 10-2018. Họ sử dụng một chiếc máy bay không người lái để thu thập dữ liệu và tạo dựng mô hình 3D của hòn đảo này.
Theo giới khoa học, hòn đảo có thể ẩn chứa thông tin về việc các địa hình núi lửa đã tương tác với nước như thế nào trên sao hỏa cổ đại.
Phần lớn hòn đảo được bao phủ bởi sỏi đen "có kích thước bằng hạt đậu", không phải cát. Trong khi đó, bùn ở đây được mô tả là rất dính. Sau chuyến viếng thăm nói trên, các nhà khoa học xác nhận địa hình hòn đảo không bằng phẳng như trên ảnh vệ tinh.
Ông Dan Slayback viếng thăm hòn đảo vào tháng 10-2018 để thu thập dữ liệu. Ảnh: Dan Slayback
Thực vật đang bắt đầu phát triển trên hòn đảo. Một vài loài vật, trong đó có cú lưng xám và chim nhàn nâu, cũng đã đến hòn đảo này sinh sống.
Các mẫu vật nhỏ đã được thu thập để phân tích khoáng sản và sẽ được nhóm của ông Slayback sử dụng để tìm hiểu xem hòn đảo này sẽ tồn tại được trong bao lâu.
Sự sống đang sinh sôi trên hòn đảo. Ảnh: Dan Slayback
Ảnh: Dan Slayback
Bình luận (0)