Tổng thống Keita cho biết ông không có nhiều lựa chọn nhằm tránh bất kỳ cuộc đổ máu nào và quốc hội cũng như chính phủ cũng sẽ bị giải tán.
Theo Chủ tịch Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat, quân đội đã bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse trong một cuộc nổi dậy bị cáo buộc là đảo chính hôm 18-8. Vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng nổi dậy chiếm căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô thủ đô Bamako, bắt giữ một số quan chức dân sự cấp cao và nhiều sĩ quan quân đội.
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters
Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse trong đoàn xe quân sự bị lực lượng nổi dậy có vũ trang bao vây. Đoàn xe được cho là ở căn cứ Kati nhưng hãng tin Reuters hiện chưa thể xác nhận tính xác thực của những hình ảnh này.
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita hôm 19-8 tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia rằng ông từ chức
Cùng ngày, nhiều người đổ ra đường ở thủ đô Bamako cổ vũ khi biết tin về cuộc nổi dậy trong khi một số người ủng hộ phe đối lập vui mừng vẫy cờ và thổi kèn hơi. Hơn 1.000 người đã tập trung bên ngoài dinh thự của tổng thống bất chấp binh sĩ ngăn cản.
Tuy nhiên, những người biểu tình đã xông vào nhà con trai Tổng thống Keita là Karim gần đó cướp bóc. Hồi tháng 7, ông Karim Keita từ chức chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Mali trong bối cảnh gia tăng làn sóng bạo lực và những lời kêu gọi tổng thống từ chức. Tư dinh của Bộ trưởng Tư pháp Mali cũng bị cướp bóc và phóng hỏa.
Khói bốc lên từ tư dinh của Bộ trưởng Tài chính Mali Kassim Tapo ở Bamako vào ngày 18-8. Ảnh: AP
Một phát ngôn viên của quân đội Mali cho biết hiện vẫn chưa rõ ai là người đứng đầu lực lượng nổi dậy và ai sẽ lãnh đạo đất nước khi ông Keita vắng mặt cũng như động cơ của cuộc nổi dậy là gì.
Trước đó, hôm 18-8, Thủ tướng Boubou Cisse đã thông qua Facebook kêu gọi quân đội hạ vũ khí và tham gia đối thoại. Tuyên bố dường như được đưa ra trước thông tin ông bị bắt giữ.
Chính quyền của ông Keita đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng từ công chúng kể từ tháng 5 sau khi tòa án hiến pháp của nước này đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi, mở đường cho đảng của ông Keita chiếm đa số ghế trong quốc hội.
Người dân xuống đường kêu gọi Tổng thống Keita từ chức. Ảnh: Reuters
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình hiện tại ở Mali trong ngày 19-8.
Pháp, các cường quốc quốc tế và Liên minh châu Phi lên án cuộc nổi dậy, đồng thời lo sợ sự sụp đổ của chính quyền ông Keita có thể làm trầm trọng hơn các bất ổn ở Mali và sau đó lan ra toàn bộ khu vực Tây Phi.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên án việc lực lượng nổi dậy bắt giữ tổng thống và các quan chức cấp cao Mali, song song đó kêu gọi lực lượng này phải trả tự do cho họ ngay lập tức.
Chủ tịch Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat kêu gọi “những kẻ nổi dậy” ngừng hành động bạo lực và thúc giục cộng đồng quốc tế phản đối bất kỳ hành vi sử dụng vũ lực nào.
Đại sứ quán Pháp và Mỹ tại Mali hôm 18-8 cảnh báo công dân tại Mali ở nhà trong bối cảnh bạo lực.
Bình luận (0)