Kết thúc phiên giao dịch ngày 26-1, chỉ số Shanghai Composite giảm 6,4%, xuống còn 2.749,79 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 1-12-2014. Chỉ số CSI300 của các công ty niêm yết lớn nhất tại Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 6% xuống còn 2.940,51 điểm, chạm đáy kể từ đầu tháng 12-2014.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng trải qua một ngày khốn đốn. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 2,4%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông bốc hơi 2,3%. Ngoài ra, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 1,5% sau khi vừa nhích lên hồi cuối tuần trước.
Bảng điện tử hiển thị thông tin chứng khoán ở TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô-Trung Quốc hôm 26-1. Ảnh: REUTERS
Trước tình hình ảm đạm trên, các nhà đặt cược tỉ giá châu Âu dự báo chỉ số FTSE của Anh và CAC 40 của Pháp sẽ giảm 0,8% và mức giảm đối với chỉ số DAX của Đức có thể là 0,7%.
Ngoài ra, chỉ số S&P 500 của Mỹ cũng chịu chung số phận khi giảm 1,6%, xuống còn 1,877.08 điểm. Giá cổ phiếu tài chính trên thực tế của Mỹ đã giảm 12,8% trong năm nay, cao hơn mức giảm ở lĩnh vực năng lượng (11,2%).
Chỉ cách đây 3 ngày, giá dầu thô thế giới vượt ngưỡng 30 USD/thùng nhưng đến ngày 26-1, giá dầu Brent lại mất 2,1% trong các giao dịch ở châu Á và giảm tổng cộng 7,2% cho đến đầu tuần này.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu trên thế giới không cho thấy dấu hiệu cắt giảm sản lượng để cứu vãn thị trường đang dư thừa nguồn cung.
Chủ tịch Công ty năng lượng Saudi Aramco (Ả Rập Saudi) hôm 25-1 cho biết họ đang tiếp tục đầu tư vào khả năng sản xuất dầu mỏ và khí đốt dù phải cắt giảm chi phí.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Iraq nói rằng sản lượng dầu của nước này đạt mức kỷ lục hồi tháng 12 năm ngoái và Baghdad có thể tăng sản lượng trong năm nay.
Giá dầu đã giảm hơn 75% so với mức đỉnh năm 2012 trong khi sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng tỉ lệ nghịch với nhu cầu thị trường, một phần do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại khiến sức mua tụt giảm.
Hậu quả là các công ty năng lượng trên toàn thế giới lần lượt cắt giảm đầu tư và việc làm để có thể trụ được khi giá dầu giảm mạnh.
Trong lúc này, thị trường tiền tệ cũng gặp nhiều biến động. Đồng yen Nhật phục hồi nhẹ, từ 1 USD đổi được 118,88 yen (ngày 22-1) tăng lên 117,99 yen (hôm 26-1). Đồng euro tăng giá trị 0,5% so với đồng USD, lên 1,0845 USD/euro.
Bình luận (0)