Tuy nhiên, nữ chính khách 62 tuổi cũng vấp phải không ít bất bình khi bà từ chối dự lễ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm là ông Mauricio Macri.
Không hề giấu giếm tham vọng trở lại “ghế nóng” trong cuộc bầu cử năm 2019, bà Kirchner còn đi nhiều nước cờ khó chịu trong lúc “hoàng hôn” nhiệm kỳ nhằm bảo đảm ông Macri sẽ bước vào một nhiệm kỳ không giống trong mơ. Hết bổ nhiệm hàng loạt đại sứ tại nước ngoài, bà Kirchner lại ký những sắc lệnh bảo đảm sẽ rút cạn kho bạc của nền kinh tế Nam Mỹ vốn đang trì trệ này. Chính trong bài phát biểu hôm 10-12, bà thẳng thừng hối thúc người dân xuống đường khi có bất mãn với chính phủ mới.
Giới quan sát cho rằng bà Kirchner cố chứng tỏ sự lợi hại của bản thân tới phút chót và tất cả động thái trên chỉ là màn dạo đầu trong việc xây dựng hình ảnh một lãnh đạo đối lập cứng rắn. Cựu Ngoại trưởng Argentina Dante Caputo nhận xét bà Kirchner dường như “cay cú” và tận dụng những ngày cuối cùng tại nhiệm sở để đưa ra “những quyết định liều mạng với nền kinh tế mong manh của nước nhà”.
Chính vị tân tổng thống 56 tuổi sau khi thắng cử cũng chua chát trước sự bất hợp tác của người tiền nhiệm: “Tôi cảm thấy bà ấy đang cố tình gây ra càng nhiều trở ngại càng tốt cho chính phủ mới”.
Sự đấu đá này rõ ràng chẳng lợi lộc gì cho Argentina. Theo đài BBC, các công bố chính thức cho thấy lạm phát của Argentina đã lên mức 15% nhưng những nhà phân tích độc lập tin là con số đó cao hơn nhiều, vào khoảng 25%. Giá hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng trong khi dự trữ ngoại hối lao dốc không phanh gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, Argentina vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm.
Bình luận (0)