Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 12-10 cùng lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN tham dự phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng thế giới (WB) tại Bali - Indonesia.
Với chủ đề "Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm trong tương lai", hội nghị thường niên IMF - WB thảo luận nhiều vấn để nổi lên trong kinh tế toàn cầu như tác động của chiến tranh thương mại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực, phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ, tác động của cách mạng công nghệ 4.0 đến tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, việc làm, công bằng và tiến bộ xã hội…
Tại hội nghị, IMF đã công bố báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2018, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018-2019 là 3,7% do tăng trưởng chậm lại ở một số nền kinh tế chủ chốt dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang, giá dầu tăng…
Theo TTXVN, phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Giám đốc IMF và Chủ tịch WB nhấn mạnh các nước cần nâng cao năng lực tự cường, sức đề kháng của nền kinh tế, thúc đẩy cải cách cơ cấu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường hợp tác toàn cầu, giảm mất cân đối toàn cầu, nỗ lực tranh thủ cách mạng công nghệ 4.0 phục vụ phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên khai mạc Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới năm 2018 tại TP Bali - Indonesia hôm 12-10 Ảnh: TTXVN
Cũng trong chuyến thăm và làm việc tại Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo đã có cuộc hội đàm đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng thống Joko Widodo bày tỏ mong muốn các doanh nhân Indonesia tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam giàu tiềm năng, nhất là trong các lĩnh vực dược phẩm, dụng cụ y tế…
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hoạt động của đoàn đàm phán về đặc khu kinh tế, sớm tiến tới hoàn tất đàm phán, thúc đẩy hợp tác về việc chống đánh bắt cá trái phép và nhất trí tiếp tục xây dựng, phát triển hợp tác trong khuôn khổ liên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó ưu tiên vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nhà lãnh đạo nhất trí tạo đột phá mới và đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược, sớm phấn đấu đưa kim ngạch song phương đạt 10 tỉ USD theo hướng cân bằng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các cơ chế đối thoại Doanh nghiệp - Doanh nghiệp, Doanh nghiệp - Chính phủ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết các vướng mắc nảy sinh. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện tốt Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Bên lề hội nghị thường niên IMF - WB, Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte… để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và giải quyết một số vấn đề cụ thể. Thủ tướng cũng đã tiếp Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Trong cuộc gặp, bà Christine Lagarde đánh giá tích cực các chính sách quản lý giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều biến động khó lường. IMF sẵn sàng hợp tác, tư vấn với Việt Nam trong thời gian tới. Trong chuyến thăm, Thủ tướng cũng tiếp một số doanh nghiệp Indonesia như Chủ tịch Tập đoàn Ciputra, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Nikko Indonesia, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao về nước, kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Indonesia.
Bình luận (0)