Báo The Washington Post tiết lộ thông tin trên hôm 30-1. Theo đó, để đổi lấy việc Triều Tiên loại bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Nga đề xuất cung cấp một nhà máy điện hạt nhân cho nước này hồi cuối năm 2018.
Cụ thể, chính phủ Nga sẽ vận hành nhà máy và chuyển tất cả sản phẩm phụ cũng như chất thải trở lại Nga, giảm nguy cơ Triều Tiên sử dụng nhà máy để chế tạo vũ khí hạt nhân. Kế hoạch này giúp Bình Nhưỡng có thêm nguồn năng lượng mới.
Không rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ thế nào về đề nghị này của Nga. Ông Victor Cha, cựu nhân viên Nhà Trắng, bình luận: "Các chính quyền trước đây không hoan nghênh những thỏa thuận kiểu này của Nga nhưng với ông Trump, mọi người không thể biết ông ấy sẽ làm gì bởi ông ấy không đi theo suy nghĩ truyền thống".
Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ và Đại sứ quán Nga tại Washington từ chối bình luận về đề xuất bí mật này.
Nga đề nghị cung cấp nhà máy điện hạt nhân cho Triều Tiên hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters
Trước đó, năm 1994, Mỹ và Triều Tiên cũng tính đến thỏa thuận đáp ứng nhu cầu năng lượng của Bình Nhưỡng nhưng thất bại.
Bà Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho hay về mặt kỹ thuật, Mỹ có thể cung cấp các lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên vì nước này đồng ý duy trì một phần của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân, đồng thời tiếp nhận các biện pháp bảo vệ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Mặc dù chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đồng ý nhưng chính quyền của Tổng thống George W. Bush lại kiên quyết phản đối.
Trong các cuộc đàm phán với chính quyền Bush, Nga đã đề xuất cung cấp lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên để đổi lấy việc tháo dỡ các cơ sở sản xuất plutonium của Bình Nhưỡng, ông Cha cho biết thêm.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats trình bày trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các mối đe dọa toàn cầu hôm 29-1. Ảnh: Reuters
Hiện tại, sau nhiều tháng trì hoãn và bế tắc, các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đạt được tiến triển mới. Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được lên kế hoạch vào cuối tháng 2.
Dù vậy, hôm 29-1, một bản đánh giá của tình báo Mỹ kết luận Triều Tiên "khó có thể từ bỏ hoàn toàn khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân".
Báo cáo "Đánh giá mối đe dọa toàn cầu" còn chỉ ra rằng Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng các mối đe dọa mạng từ Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng. Cả hai quốc gia này được cho là sở hữu khả năng "gián điệp mạng" tinh vi, có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Bình luận (0)