Thủ đô Vientiane - Lào dự kiến là chiến trường ngoại giao tiếp theo trong cuộc đối đầu về biển Đông khi các ngoại trưởng ASEAN và những đối tác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, nhóm họp từ ngày 23 đến 26-7.
Không nhân nhượng
Đây là hội nghị đầu tiên tại khu vực kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan hôm 12-7 ra phán quyết về vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông. Phán quyết này đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết biển Đông và hành vi xây đảo nhân tạo của nước này. Đáp lại, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết và lớn tiếng tuyên bố sẽ không thay đổi chiến lược tại biển Đông.
Không những thế, Trung Quốc còn tiếp tục có những động thái leo thang căng thẳng, như triển khai máy bay ném bom tầm xa tuần tra bãi cạn Scarborough (chiếm của Philippines) và một số khu vực khác trên biển Đông hay liên tiếp tổ chức tập trận. Ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Ishak Yusof (Singapore), đánh giá rất khó để nói chuyện với Trung Quốc về vấn đề biển Đông trong những ngày tới vì nước này vẫn chưa cho thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp sau phán quyết của PCA.
Tờ The Wall Street Journal cho biết hiện chưa rõ liệu nước chủ nhà Lào có né tránh vấn đề gai góc nói trên tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan hay không. Các nhà ngoại giao khu vực tiết lộ Trung Quốc đang vận động các nước không đưa ra tuyên bố chính thức về phán quyết của PCA nhưng một số nước ASEAN đang cho thấy thái độ không nhân nhượng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines hôm 22-7 cho biết Ngoại trưởng Perfecto Yasay Jr. sẽ tìm kiếm lập trường thống nhất của ASEAN đối với phán quyết của PCA tại các hội nghị ở Lào cũng như nhấn mạnh các bên liên quan cần tuân thủ phán quyết của PCA. Vào đầu tuần này, ông Yasay thể hiện lập trường cứng rắn khi từ chối đề nghị đàm phán song phương của Trung Quốc bởi Bắc Kinh ra điều kiện không đề cập đến phán quyết của PCA.
Hy vọng và thận trọng
Trước đó một ngày, ông Derry Aman, một quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết Jakarta sẽ thúc đẩy thảo luận về biển Đông tại hội nghị và đưa vấn đề này vào tuyên bố chung. Ông Aman nhấn mạnh cần tránh tái diễn tình huống như tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Campuchia năm 2012. Khi đó, không có tuyên bố chung nào được đưa ra do bất đồng về vấn đề biển Đông. Cũng theo quan chức này, chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục khích lệ các bên ưu tiên duy trì sự ổn định và hòa bình khi đưa ra phản ứng về phán quyết PCA, cũng như tránh có hành động khiến khu vực thêm căng thẳng.
Các ngoại trưởng ASEAN dự kiến bắt đầu nhóm họp vào cuối tuần này. Sau đó sẽ là một loạt cuộc gặp giữa ASEAN và các đối tác, nổi bật là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN, tập trung thảo luận những vấn đề nóng như tình hình biển Đông, mối đe dọa khủng bố và nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ dự các hội nghị này trước khi đến Manila hội đàm với tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Một số nhà ngoại giao kỳ vọng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sắp tới sẽ ra một tuyên bố “chưa có tiền lệ” về địa chính trị khu vực theo sau phán quyết của PCA. Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng lạc quan đến thế. “Nếu may mắn, chúng ta sẽ thấy ASEAN đề cập gián tiếp đến phán quyết trong tuyên bố chung” - ông Storey đánh giá. Sự thận trọng này không phải không có cơ sở vì chỉ mới vào tháng rồi, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại TP Côn Minh đã khép lại mà không có tuyên bố nào được ASEAN được đưa ra.
Kênh Channel NewsAsia (Singapore) nhận định do hội nghị diễn ra ngay sau khi có phán quyết của PCA nên triển vọng về một kết quả tích cực trong vấn đề biển Đông là không nhiều. Dù vậy, đây cũng là dịp để ASEAN và Trung Quốc “tái khởi động” quan hệ đang trải qua không ít sóng gió.
Không nể Trung Quốc
Trong chuyến thăm Trung Quốc dự kiến từ ngày 24 đến 27-7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice sẽ hối thúc Bắc Kinh tránh leo thang trên biển Đông. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Mỹ tới Trung Quốc kể từ sau phán quyết PCA. Trả lời Reuters trước thềm chuyến đi, bà Rice nhấn mạnh máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở biển Đông bất chấp cảnh báo của Trung Quốc rằng những hoạt động như thế sẽ kết thúc trong “thảm họa”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Stéphane Dion ngày 21-7 ra tuyên bố kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của PCA cũng như khẳng định phán quyết này mang tính ràng buộc. Theo tờ The Star của Canada, dù không đề cập trực tiếp Trung Quốc nhưng những thông điệp mà Canada muốn truyền tải đã chỉ rõ Bắc Kinh và những hành động ngang ngược của nước này tại biển Đông. “Dù một bên nào đó có nhất trí hay không với phán quyết, Canada tin rằng tất cả các bên nên tuân thủ. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những căng thẳng dâng cao trong khu vực trong những năm qua và có nguy cơ hủy hoại hòa bình và ổn định… Điều quan trọng nhất là các nước cần kiềm chế, tránh ép buộc và có những hành động gia tăng căng thẳng” - ông Dion nhấn mạnh.
Nhận định về động thái từ Canada, ông Fen Hampson - người đứng đầu chương trình an ninh toàn cầu của Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế ở Waterloo - nói rằng đây là một thông điệp tới Trung Quốc “với những ngôn từ ngoại giao nhưng không mơ hồ”. Tuyên bố cũng cho thấy thái độ dứt khoát của Ottawa đối với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông bất chấp chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau muốn tăng cường quan hệ kinh tế với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tương tự, những “gắn bó” lợi ích về kinh tế với Trung Quốc cũng không ngăn Indonesia cứng rắn với hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc ở quần đảo Natuna ở biển Đông. Bộ trưởng Các vấn đề Hàng hải và Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti vừa tuyên bố sẽ đánh chìm 3 tàu cá Trung Quốc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm độc lập của nước này vào ngày 17-8 tới. Hồi tháng trước, nữ bộ trưởng này từng thẳng thừng nói với Bắc Kinh rằng Jakarta không nằm trong sự mở rộng của dự án Con đường tơ lụa trên biển đầy tham vọng của Trung Quốc dù không phủ nhận dự án đó có thể giúp nước này kết nối với khu vực.
Thu Hằng
Bình luận (0)