Đây cũng lần xúc phạm hiếm hoi mà ông chủ Điện Malacanang bày tỏ “sự hối tiếc” của mình.
Những phát ngôn giật mình
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, ông Duterte từng nhận xét về kích cỡ dương vật của mình, gọi Giáo hoàng Francis là “tên khốn” và đùa giỡn về một nhà truyền giáo Úc bị cưỡng hiếp và giết chết trong một cuộc bạo loạn trong tù vào năm 1989.
“Tôi thấy tức giận vì cô ấy bị cưỡng hiếp. Nhưng cô ấy quá đẹp, thị trưởng phải là người đầu tiên. Thật phí” – ông Duterte, lúc đó còn làm thị trưởng TP Davao, nói.
Hồi giữa tháng 8 qua, ông Duterte gọi Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg là "gã khốn đồng tính". Sau những phát ngôn dậy sóng kể trên, nhà lãnh đạo Philippines hiếm khi xin lỗi, ngoại trừ lần ông gọi người đồng cấp Mỹ là “thằng khốn”.
Có lẽ các trợ lý của ông Duterte nhận ra cái giá phải trả lớn đến mức nào khi xúc phạm tổng thống Mỹ. Washington là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Manila cũng như đồng minh an ninh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở phía Nam. Philippines cũng cần tới sự giúp đỡ của Mỹ trong việc đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông.
Thiếu kinh nghiệm quốc tế
Trong suốt 22 năm làm thị trưởng TP Davao, ông Duterte được biết đến là người ăn nói “đao to búa lớn”, không chút kiêng nể. Khi vận động tranh cử, ông thề giải quyết vấn nạn ma túy ở Philippines trong vòng 6 tháng mà không quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Với phong thái mạnh mẽ, ông Duterte dọa đổ thi thể những kẻ buôn ma túy xuống Vịnh Manila để vỗ béo đàn cá ở đó.
Nhưng cũng vì làm thị trưởng 1 thành phố có 1,6 triệu dân quá lâu mà ông Duterte có rất ít kinh nghiệm trên trường quốc tế.
Trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học La Salle De ở Manila, ông Richard Javad Heydarian, nhận định những bình luận của nhà lãnh đạo Philippines có xu hướng gây được tác động tích cực ở trong nước, nơi các hành động bột phát và táo bạo của ông giúp thúc đẩy hình ảnh “người đàn ông của nhân dân”.
“Phong cách của ông ấy đã giúp ông ấy đắc cử. Vì vậy, ông ấy có thể suy nghĩ: ‘Tại sao phải thay đổi? - ông Heydarian nhận xét.
Một người nhạy cảm
Trong bài phát biểu hôm 5-9, ngoài việc gọi Tổng thống Obama là “thằng khốn”, ông Duterte còn đổ lỗi cho Mỹ là nguồn cơn của nhiều vấn đề đối với Philippines, bao gồm tình trạng bất ổn trên hòn đảo Mindanao ở phía Nam (Philippines từng là thuộc địa của Mỹ cho đến năm 1946). “Chúng tôi từ lâu đã không còn là thuộc địa của Mỹ” – ông nhấn mạnh.
Theo giáo sư Heydarian, nhà lãnh đạo Philippines là một người "rất nhạy cảm". “Ông ấy có vẻ giống như một người hùng thô ráp. Nhưng ông đọc về những năm đầu thế kỷ 19 và thế kỷ 20, biết những bất công của Mỹ, không chỉ đối với riêng người Mỹ bản xứ và người Mỹ gốc Phi mà còn đối với Philippines, khi Philippines còn là một thuộc địa của Mỹ”.
"Và vấn đề nằm ở đây. Ông ấy nhạy cảm nhưng lại thiếu kiềm chế những cơn bốc đồng. Ông ấy cũng tự tin nhờ vào tỉ lệ ủng hộ trong nước" - ông Heydarian nhận định về lý do khiến tổng thống Philippines không ngần ngại phát ngôn gây sốc.
Tuy nhiên, ông Gregory Poling - chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ) - đánh giá ông Duterte có thể là người thực dụng và "thường hạ giọng khi cần thiết".
Bình luận (0)