Trong khi số ca nhiễm và tử vong liên quan đến Covid-19 phần lớn được ghi nhận ở Trung Quốc thì dịch bệnh gần đây có dấu hiệu lây lan nhanh chóng ở các quốc gia châu Á khác. Trung Quốc hiện vẫn là tâm dịch với ít nhất 75.456 ca nhiễm và 2.236 trường hợp tử vong được ghi nhận tính đến ngày 21-2. Tuy nhiên, sự chú ý đang dần chuyển sang những nơi khác ngoài Trung Quốc đại lục với số trường hợp nhiễm bệnh mới tăng nhanh tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ tại Singapore, cho biết: "Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới ở các khu vực khác của châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, làm dấy lên nhiều lo ngại. Tình hình này dẫn đến một giai đoạn tiếp theo với sự gián đoạn liên tục và tác động kinh tế lớn hơn nhiều so với những suy đoán trước đây".
Đến nay, ít nhất 13 ca tử vong được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục trong tổng số 2.250 trường hợp thiệt mạng liên quan đến dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, số ca nhiễm ngoài đại lục đã tăng mạnh trong tuần này kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ đầu tháng 12 năm ngoái. Cụ thể, số ca nhiễm tại Hàn Quốc tăng từ 28 hồi tuần trước lên ít nhất 208 trường hợp tính đến hôm 21-2.
Một hành khách được đo thân nhiệt khi rời khỏi du thuyền Diamond Princess ở TP Yokohama - Nhật Bản hôm 21-2 Ảnh: Reuters
Theo trang Bloomberg, Hàn Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp 5 lần, hầu hết các ca nhiễm mới đều liên quan đến nhà thờ ở Daegu. Ít nhất 82 trường hợp có liên quan đến bệnh nhân "siêu lây nhiễm", người tham gia lễ cầu nguyện tại nhà thờ nói trên và bị chẩn đoán dương tính với virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2) vào đầu tuần này. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết tình hình hiện tại "có thể kiểm soát được".
Đáng báo động hơn là tình hình ở Nhật Bản, quốc gia đang bị xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất chứng kiến sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19. Chính phủ Nhật Bản hứng không ít chỉ trích về cách phản ứng lỏng lẻo trong việc cách ly du thuyền Diamond Princess chở 3.700 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn. Ít nhất 636 người trên du thuyền cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và 2 người cao tuổi đã tử vong.
Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), ít nhất 450 hành khách được phép rời khỏi tàu hôm 21-2 sau khi kết thúc thời gian cách ly. Hai ngày trước đó, khoảng 720 hành khách cũng đã rời du thuyền về nước. Cùng với đó, hơn 80 trường hợp nhiễm được ghi nhận trên khắp Nhật Bản tính đến ngày 21-2. Trước diễn biến lây lan dịch bệnh phức tạp tại Nhật Bản, nơi có số ca nhiễm nhiều nhất ngoài Trung Quốc đại lục với phần lớn là các ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princess, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã ban bố cảnh báo cấp độ 1 đối với Nhật Bản, theo đó khuyến cáo người dân cần thận trọng khi đến nước này.
Trong khi đó, tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc ghi nhận khoảng 631 ca nhiễm hôm 21-2 sau khi hàng trăm trường hợp nhiễm mới được phát hiện tại các nhà tù trong khu vực. Cùng ngày, nhà tù Rencheng ở tỉnh Sơn Đông cho biết có 207 ca cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Xie Weijun, người đứng đầu bộ phận tư pháp của tỉnh Sơn Đông, đã bị cách chức vì để dịch bệnh lây lan. Khoảng 34 trường hợp nhiễm khác cũng được ghi nhận tại nhà tù Shilifeng ở tỉnh Chiết Giang. Hai quản lý nhà tù đã bị cách chức.
Vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng từ cuối tháng 4
Loại vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng sớm nhất là vào cuối tháng 4. Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Xu Nanping đưa ra tại cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện hôm 21-2.
Tờ China Daily dẫn lời ông Xu cho biết Bắc Kinh đã áp dụng cùng lúc nhiều hướng đi khác nhau về công nghệ để đẩy nhanh việc phát triển loại vắc-xin phòng Covid-19. "Vài nhóm nghiên cứu đã thử các kỹ thuật khác nhau để phát triển vắc-xin tiềm tàng. Loại vắc-xin ra đời sớm nhất dự kiến được thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 4" - ông Xu cho biết, đồng thời cho rằng tiến trình này cũng đang ở cùng giai đoạn như nỗ lực của thế giới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc nói thêm rằng chủng mới virus corona gây Covid-19 đã được phân lập và toàn bộ chuỗi gien của nó đã được chia sẻ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đó "đặt nền móng cho sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ chẩn đoán và phát triển vắc-xin". Ngoài ra, ông Xu cho biết Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển những công cụ mới dùng để phát hiện virus gây Covid-19 nhanh và thuận tiện hơn.
Trong khi đó, ông Zhou Qi, lãnh đạo Học viện Khoa học Trung Quốc, kêu gọi các công ty đã hoạt động trở lại hãy bảo đảm thông gió và làm sao để các công nhân giữ khoảng cách an toàn.
Bên ngoài Trung Quốc, các nhà nghiên cứu khắp thế giới cũng đang chạy đua phát triển vắc-xin và thuốc trong cuộc chiến đối phó dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 12-2019. Dù vậy, WHO hôm 19-2 nhận định có thể mất 12-18 tháng để vắc-xin phòng Covid-19 được đưa vào sử dụng.
Hoàng Phương
Hành khách đeo khẩu trang khi đến sân bay Suvarnabhumi, Bangkok – Thái Lan hôm 20-2 Ảnh: REUTERS
Thị trường hàng không, dầu mỏ quốc tế ảm đạm
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) có thể "thổi bay" 29 tỉ USD doanh thu của hàng không thế giới trong năm nay, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) khẳng định hôm 20-2.
Theo ước tính của IATA, nhu cầu hàng không châu Á, chủ yếu tại Trung Quốc, sẽ sụt giảm 13% trong năm nay, khiến đà tăng trưởng doanh thu của ngành hàng không trong khu vực bị gián đoạn. Trong khi đó, con số này đối với hàng không thế giới sẽ là 4,7%, đánh dấu lần đầu tiên nhu cầu hàng không thế giới sụt giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 và 2009.
Theo IATA, hàng không châu Á nói riêng và thế giới nói chung sẽ chứng kiến "tác động hình chữ V" - tương tự điều từng xảy ra hồi năm 2003 khi dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) bùng phát, với việc doanh thu giảm mạnh trước khi phục hồi nhanh chóng.
Nhiều hãng hàng không quốc tế như British Airways (Anh), Lufthansa (Đức), Qantas (Úc) cùng 3 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ đã tạm ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc, với một số trường hợp tạm ngừng đến cuối tháng 4 hoặc tháng 5.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Đầu tư Cowen (Mỹ) khẳng định báo cáo của IATA dường như "đánh giá thấp tác động của Covid-19 đối với hàng không châu Á bên ngoài Trung Quốc", đặc biệt là khi virus đang phát mạnh mẽ tại Hàn Quốc.
Nỗi lo gia tăng về Covid-19 bên ngoài Trung Quốc cũng đã khiến giá dầu giảm khoảng 1% vào ngày 21-2.
Cao Lực
Bình luận (0)