Hàn Quốc tuyên bố siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn sự lây lan của dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 23-8 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt ở thủ đô Seoul.
Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc, nước này đã ghi nhận thêm 315 ca nhiễm tính đến giữa đêm 21-8 (giờ địa phương), nâng tổng số ca nhiễm lên 17.002 trong khi số ca tử vong là 309.
Chính quyền Hàn Quốc đã cho tăng cường các hoạt động truy dấu người nhiễm và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, đặc biệt là ở các khu vực quanh Seoul, đồng thời tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, bao gồm hạn chế tụ tập đông người, cấm tổ chức các buổi lễ nhà thờ trong khi yêu cầu đóng cửa các hộp đêm, karaoke, quán bar, nhà hàng.
Khử khuẩn ở nhà thờ Yoido Full Gospel tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc .Ảnh: REUTERS
Tại Malaysia, giới chức nước này đã phát hiện ổ dịch Covid-19 mới tại một nhà hàng ở Titiwangsa có liên quan đến 3 ca nhiễm được ghi nhận tại thủ đô Kuala Lumpur. Chính quyền Malaysia cho hay quá trình xác định và theo dõi những ca tiếp xúc gần người nhiễm vẫn đang được tiến hành. Hiện Malaysia ghi nhận hơn 9.200 ca nhiễm và ít nhất 125 ca tử vong do dịch Covid-19.
Nghiêm trọng hơn, Philippines ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới trong ngày thứ 5 liên tiếp hôm 22-8, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 187.000 và có ít nhất 2.966 trường hợp tử vong. Đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm, Ấn Độ ghi nhận gần 3 triệu ca nhiễm và hơn 55.950 trường hợp tử vong do đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, chính quyền Indonesia vừa ký kết một thỏa thuận mua 50 triệu liều vắc-xin đậm đặc phòng dịch Covid-19 của Công ty Dược phẩm sinh học Sinovac Biotech (Trung Quốc) nhằm giúp Hãng PT Bio Farma (Indonesia) có thể sản xuất vắc-xin số lượng lớn tại nước này. Phía PT Bio Farma hôm 22-8 cho hay Sinovac Biotech sẽ cung cấp cho Indonesia sản phẩm trong 5 giai đoạn từ tháng 11 năm nay tới tháng 3-2021. Thêm vào đó, Công ty Sinovac Biotech, có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng cấp quyền ưu tiên tiếp cận nguồn cung số lượng lớn cho Indonesia đến cuối năm 2021.
Theo dữ liệu của Trường ĐH Johns Hopkins, Indonesia ghi nhận hơn 150.000 ca nhiễm và ít nhất 6.500 ca tử vong tính đến hôm 22-8. Nhà sản xuất PT Bio Farma cho hay sẽ tăng khả năng sản xuất từ 100 triệu liều vắc-xin hiện nay lên 250 triệu liều vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, lô hàng sản phẩm từ Trung Quốc dự kiến trải qua nhiều cuộc kiểm tra và phải được đăng ký tại Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trong khi đó, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở châu Âu nhưng dữ liệu hiện tại cho thấy làn sóng dịch Covid-19 mới ít gây tử vong hơn. Theo hãng tin Bloomberg, Pháp và Tây Ban Nha đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ tháng 4 trong tuần qua, trong khi Ý báo cáo mức tăng số ca nhiễm cao nhất kể từ tháng 5 và tỉ lệ ca nhiễm mỗi ngày ở Đức đã tăng gấp đôi trong những tuần gần đây.
Tuy dịch bệnh một lần nữa lan rộng khắp lục địa này nhưng số ca tử vong mới tăng chậm đáng kể tính đến thời điểm này. Lý giải cho điều này, TS John Ford, giảng viên về sức khỏe cộng đồng tại Trường ĐH Cambridge (Anh), cho biết: "Khả năng tiếp cận xét nghiệm được cải thiện có thể là lý do chính, đặc biệt là khi mọi người nhận thức rõ hơn về các triệu chứng". Chuyên gia này nói thêm quá trình điều trị bệnh tốt hơn và các quy trình cải tiến để xác định các trường hợp tử vong liên quan đến dịch Covid-19 cũng giúp giảm số người chết.
Trong cuộc họp hôm 21-8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi với thời gian ngắn hơn đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918. Với quan điểm này, người đứng đầu WHO mong rằng dịch Covid-19 sẽ chấm dứt trong vòng 2 năm nếu thế giới đoàn kết và tìm ra vắc-xin.
Theo dữ liệu của Trường ĐH Johns Hopkins, hiện có hơn 23 triệu người nhiễm và hơn 800.000 người thiệt mạng do dịch Covid-19 trong hơn 7 tháng qua. WHO cho biết có ít nhất 30 loại vắc-xin tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng nhưng không có gì bảo đảm chúng sẽ an toàn và hiệu quả.
Bình luận (0)