Theo thống kê, đã có 36 người bị bệnh sởi ở 2 hạt thuộc bang Washington kể từ ngày 1-1-2019, bên cạnh 11 ca nghi nhiễm. Hầu hết bệnh nhân là trẻ dưới 10 tuổi, trong đó 1 em phải nhập viện.
Đáng chú ý, có đến 31/36 bệnh nhân nêu trên không được tiêm chủng, khiến Thống đốc bang Washington Jay Inslee phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, bang Oregon cũng lo lắng khi 35/36 ca bệnh vừa nêu xảy ra ở hạt Clark, bang Washington nhưng giáp TP Portland của Oregon.
Một em bé 15 tháng tuổi được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi tại TP Minneapolis, bang Minnesota - Mỹ Ảnh: AP
Nhà chức trách nhận định đợt sởi bùng phát này nêu bật tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Trước khi vắc-xin phòng sởi được đưa vào sử dụng tại Mỹ năm 1963, bệnh này khiến khoảng 400-500 người tử vong và 50.000 người nhập viện mỗi năm.
Theo tạp chí Time, bệnh sởi chính thức bị xóa sổ ở Mỹ vào năm 2000 nhưng nó sớm quay trở lại sau khi luật pháp nhiều bang cho phép cha mẹ được lựa chọn không tiêm chủng bắt buộc đối với con cái. Riêng năm ngoái, Mỹ ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc sởi, so với con số 120 ca năm 2017. Trên thế giới, sởi vẫn khiến khoảng 100.000 trẻ em tử vong mỗi năm.
Một số chuyên gia cho biết hoạt động vận động chống vắc-xin đang diễn ra mạnh mẽ tại một số địa phương ở Mỹ, làm gia tăng tỉ lệ trẻ em không được tiêm chủng và đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh. Các nhóm liên quan thường phát tán thông tin sai sự thật về mối liên hệ giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ, bất chấp Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bác bỏ.
Mỹ hiện có 18 bang, trong đó có Washington, cho phép cha mẹ không đưa con cái đi tiêm chủng vì những lý do phi tôn giáo. Không gì lạ khi Washington là bang có tỉ lệ trẻ em không được tiêm chủng thuộc loại cao nhất nước Mỹ. Để đối phó, các nhà lập pháp bang này vừa đề xuất dự luật cấm những trường hợp miễn trừ tiêm chủng dựa trên lý do phi tôn giáo.
Bình luận (0)