Kho vũ khí của tin tặc vừa có thêm món “đồ chơi” mới: Máy bay không người lái (drone) được trang bị những công cụ xâm nhập bất kỳ mạng không dây nào ở khoảng cách gần. Drone sẽ bay trên các tòa nhà cao tầng hoặc len lỏi những khu vực được bảo vệ cẩn mật, từ đó truyền thông tin thu thập được về cho tin tặc.
Bộ đôi đáng sợ
Ông David Jordan, nhà chế tạo robot tại Công ty Aerial Assault (Mỹ), giới thiệu sản phẩm nói trên tại Def Con - một trong những hội nghị tin tặc lớn nhất thế giới - ở TP Las Vegas mới đây.
Loại drone này có khả năng quét và tìm kiếm những lỗ hổng bảo mật của mạng không dây, thu thập thông tin về chúng và xác định tọa độ GPS chính xác rồi gửi về tin tặc. Ông Jordan khoe đây là loại drone đầu tiên được trang bị công cụ xâm nhập tự động với giá 2.500 USD.
Đáng lo hơn, nó dễ dàng vượt qua những “bức tường phòng thủ” ngoài đời của hệ thống mạng không dây, như các tòa nhà hoặc căn phòng khóa kín.
Phiên bản drone trước đó của Công ty Aerial Assault chỉ trang bị khả năng đóng giả làm các mạng không dây kém an toàn để thu thập dữ liệu từ người dùng mất cảnh giác. Khi bay trên trời, nó phát tín hiệu WiFi để lừa người sử dụng máy tính xách tay, điện thoại thông minh hoặc những thiết bị khác kết nối vào. Nhờ đó, tin tặc có cơ hội theo dõi và đánh cắp những dữ liệu nhạy cảm như số thẻ tín dụng, thông tin ngân hàng…
Do thám trên không
Sự ra đời của drone tin tặc còn thu hút hãng máy bay Boeing (Mỹ). Những email bị trang WikiLeaks rò rỉ cho thấy Boeing đang thảo luận với Công ty Công nghệ thông tin Hacking Team (Ý) để phát triển loại drone có khả năng tấn công các hệ thống máy tính từ trên không. Hacking Team đang cung cấp phần mềm giám sát có thể cài đặt vào drone.
Thành quả của sự hợp tác nói trên sẽ mang lại nhiều ứng dụng, như giúp quân đội do thám hoạt động liên lạc hoặc thu thập thông tin của một mục tiêu cụ thể. Sau khi định vị mục tiêu tiềm tàng, loại drone nói trên chỉ việc bay qua và xâm nhập mạng để cài phần mềm độc hại vào các thiết bị di động trong khu vực xung quanh. Quân đội sau đó có thể truy xuất các thiết bị di động này để lấy thông tin hoặc thậm chí là giành quyền kiểm soát điều hành.
Dù vậy, đại diện Hacking Team khẳng định không có quan hệ làm ăn với Boeing. Hãng máy bay Mỹ từ chối bình luận nhưng thừa nhận sự quan tâm đến khả năng cung cấp cho khách hàng phần mềm tin tặc thông qua drone.
Ngoài mục đích do thám, Mỹ còn đang thăm dò những loại vũ khí có khả năng đánh sập bất kỳ hệ thống máy tính nào từ trên không. Chẳng hạn, Boeing đang phát triển loại tên lửa, gọi tắt là CHAMP, sử dụng chùm sóng viba để hủy diệt các máy tính và hệ thống điện tử gần đó. Dự án trị giá 38 triệu USD này của Không lực Mỹ bắt đầu từ năm 2009 nhưng chưa thể hiện thực hóa do vấn đề kinh phí và công nghệ.
Nỗi lo dùng drone làm vũ khí
Gây nguy hiểm cho các chuyến bay, làm gián đoạn việc chữa cháy, vận chuyển ma túy bất hợp pháp từ Mexico và làm dấy lên lo sợ về an ninh tại Nhà Trắng là hàng loạt đe dọa mà máy bay không người lái (drone) đặt ra.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), tính từ đầu năm đến đầu tháng 8, phi công Mỹ nhìn thấy tổng cộng 650 drone bay gần máy bay của họ trên bầu trời, hơn gấp đôi so với 238 chiếc hồi năm ngoái.
Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng (CEA) dự báo hơn 1 triệu chiếc drone các loại được bán ra tại Mỹ trong năm nay, so với 430.000 chiếc vào năm 2014 và 120.000 chiếc vào năm 2013.
Tại bang California, việc chữa cháy từ trên không phải tạm ngừng khi một số drone xuất hiện tại hiện trường vụ cháy rừng hồi mùa hè này. Vào tháng 1, một chiếc drone 4 cánh quạt trở thành vị khách không mời trên bãi cỏ Nhà Trắng do người điều khiển mất kiểm soát.
FAA còn phát hiện và điều tra vụ một thiếu niên ở bang Connecticut tải đoạn video quay cảnh một chiếc drone 4 cánh quạt tích hợp súng xả đạn vào một khu vực cây cối rậm rạp hồi tháng 7.
Giải pháp theo dõi và vô hiệu hóa drone đã được thử nghiệm ít nhất một lần hồi năm ngoái. Cảnh sát TP New York sử dụng hệ thống vi sóng để theo dõi một chiếc drone tại Quảng trường Thời Đại, sau đó chiếm quyền điều khiển và trả nó lại cho chủ nhân.
Các thử nghiệm trước đó của Bộ An ninh Nội địa (DHS), FAA và Bộ Quốc phòng Mỹ gặp khó khăn vì sóng vô tuyến làm hệ thống vi sóng gần như mất tác dụng. Đại tá về hưu Muddy Watters, từng là chuyên gia chiến tranh điện tử của Hải quân Mỹ, tin rằng để kiểm soát drone hiệu quả, phải nắm được mã tín hiệu đang điều khiển chiếc máy bay, sau đó dùng tín hiệu đủ mạnh để ghi đè lên.
Ngoài giải pháp trên, Washington còn ban hành luật buộc drone bay dưới 120 m và cách sân bay ít nhất 8 km. Các trường hợp vi phạm sắp tới có thể bị cáo buộc hình sự.
Nỗi lo lớn nhất của nhà chức trách Mỹ là drone có thể bị lợi dụng để tấn công máy bay thương mại trong quá trình cất và hạ cánh hoặc dùng để khủng bố. Càng đáng lo hơn khi drone không cần đăng ký như máy bay thông thường.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)