Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow đã tuyên bố Ryan Christopher Fogle, thư ký chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Nga, là nhà ngoại giao không được thừa nhận do tình nghi làm gián điệp.
Khi bị bắt, Fogle đang mang theo trong người những phương tiện kỹ thuật chuyên biệt, những bản hướng dẫn viết tay dành cho một công dân Nga mới được tuyển mộ, một số tiền lớn và các vật dụng dùng để ngụy trang gồm 2 bộ tóc giả (màu sáng và tối), 3 cặp kính. Ngoài ra còn có 1 con dao xếp và 1 điện thoại di động lỗi thời, theo hình ảnh do Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) công bố.
Ryan Christopher Fogle sau khi bị bắt. Ảnh: RIA NOVOSTI
Điều đáng nói là nhà chức trách Nga đã phát hiện trong người Fogle cái compa và tấm bản đồ thủ đô Moscow, những vật dụng được đánh giá là thuộc trường phái cổ xưa trong thời đại của iPhone và dụng cụ định vị toàn cầu GPS.
Tờ Nhật báo Kommersant của Nga cho rằng có khả năng Ryan Fogle đang tìm cách mua chuộc một nhân viên an ninh chống khủng bố Nga để lấy thông tin về hai anh em nhà Tsarnaev, từng thực hiện vụ đánh bom kép tại cuộc thi marathon Boston khiến 3 người chết, hơn 200 người bị thương.
|
Giải thích về điểm này, Peter Earnest, một sĩ quan CIA kỳ cựu với 35 năm hoạt động, cho biết phương tiện mới hơn không nhất thiết sẽ tốt hơn trong nghề gián điệp. Ông đánh giá: “Bản thân hoạt động gián điệp đã rất cũ kỹ và nhiều phương pháp truyền thống vẫn còn giá trị. Điện thoại di động và các tin nhắn văn bản có thể bị chiếm giữ. Sử dụng các bản hướng dẫn viết tay vừa có thể bảo đảm cho hoạt động tình báo lẫn an ninh của điệp viên".
Tuy vậy, một số cựu giới chức phản gián và chuyên gia an ninh Mỹ tỏ ra nghi ngờ về những vật dụng và trang bị mà Fogle mang theo khi bị bắt giữ. Trong số đó có một lá thư hứa hẹn trả 1 triệu USD/năm để đổi lấy thông tin hữu dụng gửi đến một tài khoản Gmail.
“Nếu thông tin là chính xác thì vụ việc sẽ tạo ra một ấn tượng xấu kinh hoàng khi bị bắt với một tài liệu hướng dẫn kiểu như “101 cách trở thành điệp viên” và tóc giả. Anh ta chắc hẳn phải rất khờ khạo” - ông Mark Galeotti, giảng viên tại đại học New York (Mỹ), nhận định.
Ông Samuel Greene, giám đốc Viện Nga thuộc trường Đại học King (Anh), cũng cho rằng các bằng chứng được trưng ra là kỳ lạ. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các điệp viên sẽ đưa cho nhau chỉ dẫn bằng văn bản. FSB thu được cả thẻ nhân viên ngoại giao của Fogle, tức là anh ta đem cả các đồ dùng cá nhân trong lúc làm nhiệm vụ. Có thể đó là những gì CIA vẫn làm hoặc có thể các cơ quan truyền thông tại Kremlin nghĩ rằng chúng ta ngu ngốc đến độ đó" - ông Greene nói.
Số tiền mặt lớn gồm nhiều tờ 500 euro bị bắt cùng Folge. Ảnh: Russian.rt.com
Toàn bộ vật dụng của Folge khi bị bắt. Ảnh: Russian.rt.com
Bên cạnh đó, ông Galeotti, người chuyên nghiên cứu về các cơ quan mật vụ Nga, nghi ngờ việc Moscow công khai vụ bắt Fogle là có ý đồ chính trị. Ông nói: “Những vụ việc như thế này thường được giải quyết một cách kín đáo trừ khi họ muốn đưa ra thông điệp nào đó. Nếu một nhân viên sứ quán bị phát hiện là gián điệp, người ta sẽ để anh ta tự do để tiếp tục theo dõi xem anh ta nói chuyện với ai, làm gì. Không có lí do gì để bắt giữ và trục xuất họ một cách ầm ĩ”.
Do đó, theo ông Galeotti, có thể Kremlin đang muốn dùng vụ việc này để đối phó với phe đối lập hơn là với Washington và như vậy vụ bắt giữ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quan hệ Nga - Mỹ.
Bình luận (0)